Rèn tư duy sáng tạo cho học sinh

Thực hành, thiết kế sáng tạo từ các tiết học về khoa học, toán tư duy và thực tiễn đã giúp học sinh linh hoạt, sáng tạo, biết giải quyết các vấn đề từ cuộc sống đặt ra.
Thầy Jonathan Barley hướng dẫn học sinh lớp 8A Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa thiết kế lồng đèn trong giờ tiếng Anh tích hợp
Thầy Jonathan Barley hướng dẫn học sinh lớp 8A Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa thiết kế lồng đèn trong giờ tiếng Anh tích hợp
Phương pháp dạy khoa học 
Giờ học môn khoa học về chủ đề năng lượng của học sinh lớp 8A Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa diễn ra sôi động, hào hứng. Sau khi nhận các dụng cụ gồm dây kẽm, giấy, nến, hồ... học sinh được chia thành 4 nhóm. Vừa bàn thảo, hội ý nhanh, các nhóm phân chia công việc và bắt đầu thiết kế chiếc đèn lồng theo yêu cầu, hướng dẫn của thầy Jonathan Barley. Tự tính toán, tạo khung, cắt giấy dán sao cho vừa khớp với khung. Cuối cùng, nhóm học sinh đầu tiên reo hò vì hoàn thành sản phẩm - chiếc lồng đèn sớm nhất. Với thành tích này, nhóm được thầy Jonathan dẫn xuống sân trường để hoàn tất công đoạn đốt lửa tạo năng lượng - lực đẩy để chiếc lồng đèn bay lên không trung.
Hai học sinh Hà Phương và Hoàng Châu của nhóm chia sẻ, những tiết học khoa học của chương trình tiếng Anh tích hợp luôn mang đến sự thích thú, say mê cho cả lớp vì được làm thí nghiệm, thực hành rất nhiều. Thông qua các chủ đề gắn với bài học, học sinh phải động não, tư duy sáng tạo, ứng dụng những kiến thức đã học gồm toán, khoa học, công nghệ vào thực hành; tạo ra sản phẩm theo yêu cầu của giáo viên. Còn bạn Hoàng Kha thích thú: “Những giờ học gắn với thực hành này giúp chúng em nhớ kiến thức lâu hơn và quan trọng là biết vận dụng vào thực tiễn chứ không phải nhớ lý thuyết, công thức chay”. Với chương trình giáo dục tiên tiến, phương pháp dạy khoa học, linh hoạt - gắn với thực hành, trải nghiệm, chương trình tiếng Anh tích hợp đang được triển khai ở các trường phổ thông của TPHCM đã đi đầu trong việc giảng dạy theo xu thế giáo dục STEM. 
Thầy Paul Steven-Kings, Trưởng bộ môn Toán - Khoa học (chương trình tiếng Anh tích hợp), cho biết: “STEM có thể hiểu là sự tích hợp các môn học ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Đây là xu thế mới trong giáo dục nhằm phát triển sâu về tư duy toán học và khoa học cho học sinh. Điều này hướng tới mục đích chuẩn bị kỹ năng cần thiết để các em sẵn sàng thích ứng trong môi trường làm việc ở thế kỷ 21”. Cũng theo nhận định của thầy Paul Steven-Kings, định hướng này không chỉ gói gọn trong mục tiêu giúp học sinh phát triển nghề nghiệp mà STEM còn là sự kết hợp giữa tư duy, suy luận, làm việc nhóm, nghiên cứu cũng như các kỹ năng sáng tạo khác. Học sinh có thể áp dụng, vận dụng linh hoạt trong tất cả các khía cạnh của cuộc sống. STEM không phải là chương trình học riêng biệt mà nó được tích hợp một cách khoa học vào trong các tiết học, ở các môn học khác nhau xuyên suốt trong khung chương trình tích hợp hiện nay.
Hình thành kỹ năng mới
Tương tự, các giáo viên nước ngoài phụ trách dạy môn khoa học, toán ở các khối lớp của các trường THCS và THPT cũng khẳng định, một trong những hiệu ứng tích cực nhất của phương pháp giáo dục STEM là tạo nên sự hứng thú học tập, đặc biệt đối với những học sinh bình thường tỏ vẻ chán nản trong việc học. Khi được giới thiệu các đề tài gắn với thực tế cuộc sống và hướng dẫn áp dụng những kiến thức đã học để giải quyết vấn đề thông qua làm việc nhóm, thiết kế sáng tạo... chính học sinh lại có nhiều ý tưởng, hứng thú tạo ra sản phẩm nhất.
Trong năm học 2017-2018, Sở GD-ĐT TPHCM đang đẩy mạnh việc đưa phương pháp giáo dục STEM vào các tiết học. Thầy Phạm Ngọc Tiến, Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TPHCM), cho biết nền tảng của STEM không chỉ tập trung ở các môn khoa học tự nhiên mà bao gồm các chủ đề liên quan đến đời sống xã hội. Trong điều kiện thực tế, các trường có thể triển khai phương pháp giáo dục STEM ở nhiều mức độ, cấp độ khác nhau. Cụ thể, giáo viên ứng dụng từ đơn giản là bài học đơn lẻ hoặc một phần của bài học đến nâng dần cấp độ, vận dụng kiến thức liên môn, học theo dự án, thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học kỹ thuật… Vì thế, trước mắt ngành GD-ĐT TPHCM định hướng các trường xây dựng nền tảng trên những gì đang có để xây dựng từng viên gạch nhỏ cho mục tiêu phát triển giáo dục STEM trong tương lai gần.
Như thế, cốt lõi của giáo dục STEM là định hướng cho học sinh tư duy về những vấn đề gắn với thực tiễn của cuộc sống và giải quyết nó bằng cách vận dụng những kiến thức trong các lĩnh vực đã học như toán học, khoa học, công nghệ, kỹ thuật. Qua đó hình thành kiến thức, kỹ năng giải quyết vấn đề thực tiễn. Trong quá trình vận dụng, học sinh sẽ năng động, sáng tạo, hình thành các kỹ năng cần thiết khi bước vào giảng đường đại học, cũng như trong cuộc sống. 
Từ kinh nghiệm coi trọng yếu tố thực hành, trải nghiệm theo phương pháp giáo dục STEM của chương trình tiếng Anh tích hợp, ngành GD-ĐT TPHCM sẽ nghiên cứu, mở rộng thêm nhiều kênh, tạo điều kiện cho học sinh TPHCM làm quen với giáo dục STEM.

Tin cùng chuyên mục