Rèn luyện để tăng đề kháng

Đối mặt với những luồng thông tin xấu, người trẻ cần làm gì để tạo cho mình một “sức đề kháng” trước những cái xấu. Chúng tôi đã ghi nhận ý kiến của một số bạn trẻ xung quanh vấn đề này.

Anh LÊ XUÂN DŨNG, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ HS-SV TPHCM: Sử dụng mạng xã hội thông minh

Đối mặt với những luồng thông tin đa dạng, bạn trẻ cần rèn luyện bản thân để trở thành người sử dụng mạng xã hội thông minh, có văn hóa. Bạn trẻ nên tập thái độ điềm tĩnh khi tiếp nhận thông tin, xác định thông tin rõ nguồn gốc, được đăng tải bởi trang báo/cộng đồng mạng có uy tín, cẩn thận khi like/share với thông tin giật gân, tin xấu, tin độc, tránh để những thông tin mạng xã hội tác động, chi phối tiêu cực đến bản thân. 

Hiện nay, Trung tâm Hỗ trợ HS-SV TPHCM triển khai nhiều hoạt động về trang bị kỹ năng thực hành xã hội, các chuyên đề xây dựng văn hóa ứng xử khi sử dụng mạng xã hội. Từ các chuyên đề văn hóa ứng xử mạng xã hội được tiếp cận, các trường đã đưa vào sinh hoạt trong các câu lạc bộ, các nhóm học sinh trong trường. Qua đó, các em giúp đỡ nhau xây dựng thói quen sử dụng mạng xã hội văn minh. 

BS ĐỖ THÁI PHƯƠNG NGỌC, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương: Làm việc có ích để cuộc đời thêm ý nghĩa

Giới trẻ ngày nay thực sự đứng trước vô vàn cơ hội và lợi ích không thể chối cãi do mạng xã hội mang lại. Chúng ta càng phải chú trọng đến rèn luyện bản thân để phát huy triệt để những lợi ích đó. Để tránh dành quá nhiều thời gian thực trên mạng ảo, người trẻ có thể gắn bản thân mình vào một hoạt động có ích nào đó như chơi thể thao, các nhóm chạy bộ, đọc sách, học ngoại ngữ… Mạng xã hội là nơi chúng ta kết giao, nhưng thắt chặt các mối quan hệ phải ở trên đời thực, chỉ có vậy nền tảng đó mới bền vững và phát triển. 

Cây bút trẻ LÊ BÙI THỊ THẢO NGUYÊN: Tỉnh táo và phải có kiến thức

Có không ít bạn trẻ thể hiện quan điểm chính trị, chính kiến này nọ trên mạng xã hội nhưng không hiểu rõ bản chất sự việc, không hiểu luật pháp và thậm chí vì a dua mà gây ra những sự việc đáng tiếc. Tôi nghĩ, các bạn trẻ cần tỉnh táo hơn, trước khi có ý kiến về bất cứ vấn đề gì thì cũng cần phải có kiến thức, hiểu biết kỹ càng về nó. Vì cho dù có xuất phát từ động cơ tốt mà thiếu kiến thức thì cũng dễ trở thành người phá hoại.

Theo tôi, “căn bệnh nặng” của một bộ phận giới trẻ hiện nay chính là việc sống ảo, chạy theo hình thức phù phiếm, những trào lưu, những hô hào cổ động do người khác đưa ra mà không biết có phù hợp với bản thân mình hay không. Vấn đề lệch chuẩn là một vấn đề đáng quan tâm, cần được điều chỉnh để đưa về đúng chuẩn, tránh sự tụt dốc của đạo đức xã hội. Tuy nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại, chúng ta cũng cần xem xét như thế nào gọi là chuẩn, và cái chuẩn được số đông công nhận hiện tại có còn chuẩn nữa hay không, có cần điều chỉnh gì hay không?

Tin cùng chuyên mục