RCEP: Đàm phán bước vào giai đoạn nước rút

Ngày 27-6, đại diện thương mại của hơn chục quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã có mặt tại thành phố Melbourne, bang Victoria của Australia, để tiến hành đàm phán về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương (RCEP).
Thái Lan đặt mục tiêu hoàn tất RCEP và triển khai toàn diện Cửa sổ ASEAN cho 10 nước thành viên. (Ảnh minh họa của Reuters)
Thái Lan đặt mục tiêu hoàn tất RCEP và triển khai toàn diện Cửa sổ ASEAN cho 10 nước thành viên. (Ảnh minh họa của Reuters)

Đẩy nhanh tiến độ

Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham cho biết toàn bộ 16 quốc gia tham gia RCEP sẽ có các cuộc đàm phán kín về những nội dung thỏa thuận của một trong những hiệp định thương mại có ý nghĩa kinh tế cao nhất thế giới.

Ông S.Birmingham nhấn mạnh trong nhiều năm qua, sự gia tăng các quy tắc thương mại toàn cầu đã tạo ra các phép màu kinh tế cho Australia. Nước này không thể giúp giải quyết tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nhưng sẽ tìm kiếm các cơ hội thương mại mới, thông qua việc thúc đẩy ký kết các hiệp định thương mại đa phương. Australia hy vọng bằng nỗ lực của mình và các quốc gia khác trong khu vực, RCEP sẽ sớm hoàn tất trong năm nay.

Trước đó, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha và Bộ trưởng Thương mại Indonesia Enggartiasto Lukita đã bày tỏ ủng hộ quan điểm đàm phán RCEP phải được kết thúc trước khi tranh chấp Trung Quốc và Mỹ leo thang và gây thiệt hại kinh tế lâu dài.

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN 34 vừa qua, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cho biết Thái Lan đang nỗ lực kết thúc sớm các cuộc đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong năm nay và đây cũng là mục tiêu chung của tất cả các nhà lãnh đạo ASEAN. Bởi theo ông Chan-o-cha, màn đánh thuế qua lại giữa Mỹ và Trung Quốc đang đẩy triển vọng thương mại tự do toàn cầu trở nên đen tối. Các nhà lãnh đạo 10 quốc gia thành viên ASEAN đều nhất trí với việc kết thúc sớm đàm phán RCEP. Từ đó, ASEAN cùng với 6 nước đối tác là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand sẽ tạo thành khối thương mại tự do lớn nhất thế giới. Bởi RCEP sẽ giảm thiểu tác động tiêu cực cho ASEAN trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng giữa các đối tác thương mại chủ chốt. “Khi kết hợp cùng nhau, với 650 triệu người, chúng ta sẽ là một khối kinh tế lớn nhất thế giới”, ông Chan-ocha tuyên bố trong cuộc họp báo sau Hội nghị cấp cao ASEAN.

Cố gắng vượt qua rào cản

RCEP chiếm 50% dân số thế giới và 32% GDP toàn cầu. Thương mại giao dịch giữa các thành viên RCEP hiện tại chiếm 28% thương mại thế giới. Tầm quan trọng của RCEP chủ yếu là kinh tế. Hiệp định này có khả năng hài hòa các quy tắc và tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch kinh doanh giữa nhiều FTA và chồng chéo ở Đông Á, qua đó đóng vai trò là một khối xây dựng cho hệ thống thương mại đa phương.

RCEP đã đi được một quãng đường khá dài là gần 6 năm và 26 vòng đàm phán, đã đến lúc các nhóm đàm phán tiến về phía trước vì lợi ích chung của khu vực… Theo số liệu mới nhất dựa trên các tỷ lệ đàm phán cho thấy có 46,2% nội dung tiến độ đạt được; các nội dung hiệp định chờ đàm phán tiếp là 44,4% và có 9,4% là các khó khăn có thể dẫn tới từ bỏ một thỏa thuận.

Các nhà đàm phán cho rằng, trong bối cảnh ngoài khu vực, những bất ổn toàn cầu đã đặt ra tính khẩn cấp để kết thúc RCEP, nếu không quá trình đàm phán sẽ mất đi sự đáng tin cậy, vì các thành viên có thể trở nên cứng nhắc hơn. Khi thời gian ngày càng ngắn, điều bắt buộc là mỗi thành viên phải đủ linh hoạt để có thể thống nhất được trong các cuộc đàm phán. Trên thực tế, sự chồng chéo của các FTA khác nhau giữa các thành viên RCEP đã khiến môi trường đàm phán thương mại trở nên rất khó khăn.                          

Tin cùng chuyên mục