Rất nhiều trạm thu phí không đúng quy định về khoảng cách 70km

Tiếp tục góp ý về Báo cáo giám sát các dự án BOT giao thông chiều ngày 15-8, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề xuất tiến hành giám sát dự án BOT Cai Lậy (Tiền Giang).
Mới đưa vào hoạt động nhưng trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) bộc lộ nhiều vấn đề bất cập. Ảnh: CHÍ HỮU
Mới đưa vào hoạt động nhưng trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) bộc lộ nhiều vấn đề bất cập. Ảnh: CHÍ HỮU

Cho rằng dự án thu phí bất hợp lý, nhiều tài xế đã bày tỏ thái độ phản ứng mạnh mẽ những ngày qua.

Nhận xét việc thẩm định thiết kế, dự toán… của các dự án BOT hiện nay còn lỏng lẻo, tạo kẽ hở cho nhiều nhà đầu tư lợi dụng, chỉ “nâng cấp” không đáng kể rồi thu phí, ông Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu: “Dự án Cai Lậy thu phí cao hơn cả cao tốc Trung Lương là bất hợp lý, dự án Pháp Vân – Cầu Giẽ cũng thế. Khoảng cách giữa nhiều trạm thu phí rất ngắn. Tôi về Thái Bình, chỉ hơn 100km có 4 trạm; rồi để nhanh thu hồi vốn thì nhà đầu tư tận thu đường nhánh, như thế dân phản ứng là đương nhiên rồi”.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải chia sẻ quan điểm của ông Nguyễn Hạnh Phúc: “Báo cáo cho biết, chỉ 9/88 trạm đúng quy định về khoảng cách 70km, còn lại rất nhiều trạm không đúng. Theo quy định thì những trường hợp này phải thỏa thuận với UBND tỉnh và Bộ Tài chính, vậy có văn bản thỏa thuận không?

Tôi được biết có hai trạm thu phí ở Kiến Xương (Thái Bình) cách nhau có 200m, một là BOT, một là BT. Còn nhiều ví dụ khác nêu trong báo cáo. Nhiều trạm người dân không đi cũng phải trả phí. Có trường hợp nhà đầu tư không báo cáo trung thực số thu với chênh lệch lên tới 700 triệu đồng/ngày, trách nhiệm của thanh tra Bộ Giao thông ở đâu, đã thu hồi về cho nhà nước bao nhiêu? Tôi rất đồng tình với Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc là nên giám sát trạm thu phí Cai Lậy để đáp ứng mong mỏi của người dân”. 

Tin cùng chuyên mục