Rất ít đơn vị đủ điều kiện để kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đánh giá, tới nay hạ tầng công nghệ thông tin của nhiều bộ, ngành, địa phương đầu tư từ lâu, thiếu đồng bộ; các bộ, ngành chưa sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp lý thuộc thẩm quyền ban hành hoặc đề xuất ban hành cho phù hợp với Luật Cư trú năm 2020.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: PHONG HOÀNG
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: PHONG HOÀNG

Ngày 25-10, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức giao ban triển khai Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030). 

Tại đây, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thông tin, trong Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về An ninh mạng, nhiều quốc gia rất hào hứng quan tâm về công tác triển khai xây dựng Đề án 06 của Việt Nam. Việc chuyển đổi số cần phải tính đến những vấn đề mang tầm khu vực, quốc tế trong xã hội số, kinh tế số, quản trị xã hội.

Mặc dù các bộ, ngành, địa phương quyết liệt trong triển khai thực hiện Đề án 06, nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Riêng Bộ Công an, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, luôn xác định vai trò gương mẫu, đi đầu đẩy mạnh thực hiện Đề án trong công an nhân dân. 

Từ nay tới cuối năm, khối lượng công việc triển khai Đề án 06 rất lớn, người đứng đầu ngành công an đề nghị các đơn vị, bộ, ngành không nhắc lại thành tích mà tập trung đánh giá khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân của những công việc còn chậm tiến độ, nêu rõ giải pháp khắc phục và kiến nghị, đề xuất.

Thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện pháp lý để triển khai các nhiệm vụ của đề án đúng tiến độ, nhất là việc bỏ sổ hộ khẩu giấy từ ngày 1-1-2023, đây là vấn đề đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, đặc biệt là đối với lĩnh vực tư pháp, tài nguyên và môi trường.

Đặc biệt, các bộ, ngành khẩn trương kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính của đơn vị mình có lộ trình, thời gian hoàn thành cụ thể.

Riêng đối với 2 thủ tục hành chính liên thông, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Bộ Tư pháp, Bộ LĐTB-XH khẩn trương đầu tư, nâng cấp hệ thống, đảm bảo các tiêu chuẩn để hoàn thiện kết nối (xong trước ngày 15-11). Đối với dịch vụ công đăng ký biến động quyền sử dụng đất, Bộ TN-MT cần đưa ra lộ trình cụ thể để nhân rộng trên toàn quốc và lộ trình kết nối cơ sở dữ liệu về đất đai với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bộ KH-ĐT tiếp tục sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc liên thông thủ tục đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế đối với hộ kinh doanh, phấn đấu hoàn thành trong quý 4.

Đối với nhiệm vụ của Bộ Y tế, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu khẩn trương hoàn thiện quy trình hướng dẫn các cơ sở y tế, bệnh viện đồng bộ dữ liệu khám sức khỏe lái xe lên hệ thống của Bộ GTVT (trước ngày 30-10) để thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe trong 25 dịch vụ công thiết yếu. Phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai dịch vụ công liên thông “Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt”…

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh, hiện công tác cấp, liên thông khai sinh, khai tử… ở cấp cơ sở vẫn còn rườm rà, mất nhiều thời gian của người dân. “Một cháu bé mới sinh ra, sau vài ngày ở bệnh viện khi bố mẹ cháu bế về nhà thì đã có ngay giấy khai sinh chứ không thể để bố mẹ cháu phải chạy đi chạy lại đăng ký khai sinh mất thời gian, công sức. Những thủ tục đó phải được thực hiện trên môi trường điện tử, cải cách, phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân”, Bộ trưởng Tô Lâm thông tin.

Tin cùng chuyên mục