Ráo riết tìm nguồn cung vaccine

Trước sự bùng phát của dịch Covid-19 do xuất hiện các biến thể mới và việc chậm trễ trong tiêm chủng vì thiếu hụt vaccine, châu Á đang phải tìm kiếm nguồn cung vaccine Covid-19 thay thế.

Ở khu vực Đông Bắc Á, tuy là nhà sản xuất theo hợp đồng của vaccine AstraZeneca, Novavax, nhưng chiến dịch tiêm chủng tại Hàn Quốc còn chậm chạp, hiện chưa đến 8% dân số nước này được tiêm liều đầu tiên. Để đảm bảo cho kế hoạch tiêm chủng, Chính phủ Hàn Quốc đã tích cực mở rộng hợp tác quốc tế trong việc nghiên cứu, sản xuất vaccine và mua vaccine thông qua đàm phán.

Trong khi đó, giới chức lãnh thổ Đài Loan đang huy động các kênh ngoại giao để đẩy nhanh công tác phân phối vaccine Covid-19. Đài Loan đã đặt mua 20 triệu liều vaccine, nhưng chỉ mới nhận được khoảng 300.000 liều. Đại diện Đài Loan tại Mỹ đang đàm phán với Washington để được chia sẻ 80 triệu liều vaccine Covid-19 mà Tổng thống Joe Biden tuyên bố cung cấp cho thế giới thông qua chương trình COVAX của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Chính phủ Australia đang đàm phán với Moderna về việc sản xuất vaccine. Ngoài trở ngại do trục trặc nguồn cung, vấn đề tác dụng phụ của vaccine cũng đang làm tiến trình tiêm vaccine của Australia bị kéo dài. Với tiến độ hiện tại, Australia có thể mất tới 3 năm mới đạt miễn dịch cộng đồng.

Một trong những nguyên nhân khiến việc tiêm chủng tại châu Á chậm hơn so với châu Âu và Mỹ xuất phát từ cách tiếp cận cẩn trọng khi tiêm chủng, muốn có thêm thời gian để kiểm chứng tác dụng phụ và yêu cầu các loại vaccine phải tuân thủ các tiêu chuẩn quy định nội địa dù đã được chứng minh an toàn ở nước ngoài. Theo Hsu Li Yang, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y khoa Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore, vướng mắc về hậu cần cũng là một rào cản lớn với nhiều nước trong khu vực. Hai mẫu vaccine hàng đầu sử dụng công nghệ mRNA hiện nay là Pfizer và Moderna đều đặt ra những yêu cầu khắt khe trong khâu vận chuyển và bảo quản, như phải giữ ở nền nhiệt độ lạnh sâu, vượt quá khả năng hậu cần của phần lớn các nước châu Á.

Các nước châu Á đang phải sử dụng nguồn vaccine vốn đã hạn hẹp để đáp ứng nhu cầu của các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, như người trên 65 tuổi, nhân viên y tế, người mắc bệnh nặng. Giới chuyên gia nhận định, theo cách tiếp cận này, các nước phát triển ở châu Á vẫn có thể đạt được miễn dịch cộng đồng trong năm nay, tuy có chậm hơn vài tháng so với những quốc gia phương Tây. Nhưng rất khó để nhóm nước thu nhập thấp, đang phát triển tại khu vực đạt được mục tiêu này trong năm 2021.

Tin cùng chuyên mục