Rào cản vô hình của bình đẳng giới

Năm 2020 là năm có ý nghĩa quan trọng đối với quyền bình đẳng giới. 2020 đánh dấu 45 năm Ngày Phụ nữ quốc tế đầu tiên được Liên hiệp quốc (LHQ) kỷ niệm nhân Năm Phụ nữ quốc tế 1975, sự kiện được đưa ra nhằm nâng cao ý thức cộng đồng về quyền của phụ nữ và hòa bình thế giới.
Hưởng ứng phong trào #EachForEqual tại một phòng nghiên cứu của Bộ Năng lượng Mỹ
Hưởng ứng phong trào #EachForEqual tại một phòng nghiên cứu của Bộ Năng lượng Mỹ

Mỗi cá nhân - một đóng góp

Năm nay, thế giới cũng kỷ niệm 25 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, một trong những văn kiện toàn diện nhất về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. 2020 còn đánh dấu 10 năm UN Women, Cơ quan LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, được thành lập và 20 năm Hội đồng Bảo an LHQ ra nghị quyết 1325 về phụ nữ, hòa bình và an ninh.

Với chủ đề “Mỗi người vì sự bình đẳng” (#EachForEqual), chiến dịch 8-3 năm nay của LHQ tập trung vào từng thay đổi nhỏ mà mỗi cá nhân có thể tạo ra. Thông điệp chính mà các nhà hoạt động muốn nhắn gửi nhấn vào nội dung một thế giới bình đẳng là điều có thể thực hiện được và mỗi người có thể có những hành động riêng để góp phần biến nó thành hiện thực. Những sự kiện trong chiến dịch diễn ra trên khắp thế giới này thu hút sự quan tâm của dư luận với thông điệp, bình đẳng giới không phải là vấn đề của riêng phụ nữ mà là vấn đề kinh tế, vấn đề cộng đồng. Doanh nghiệp, cơ quan chính phủ và các phương tiện truyền thông chỉ là một số yếu tố chính được nhấn mạnh trong chiến dịch. Bằng cách tìm ra con đường riêng để tôn vinh các thành tựu của phụ nữ, nâng cao nhận thức về sự bất công và chỉ ra tình trạng bất bình đẳng, mỗi người có thể góp phần mang đến sự thay đổi tích cực trong vấn đề bình đẳng giới để mang lại một xã hội tốt đẹp hơn cho tương lai.

Khoảng cách giới vẫn còn lớn

Tuy nhiên, mục tiêu bình đẳng giới vẫn còn ở rất xa và những tiến bộ vốn khó đạt được thậm chí đang đứng trước nguy cơ bị đảo ngược bởi những thách thức của thế giới như xu hướng bất bình đẳng, biến đổi khí hậu, xung đột và cạnh tranh chính trị. Cho đến nay, chưa quốc gia nào đáp ứng mục tiêu đạt bình đẳng giới. Các quốc gia phát triển Tây Âu đi đầu thế giới về nữ quyền cũng mới chỉ đạt 76,6% mức độ bình đẳng giới.

Theo người đứng đầu UN Women Phumzile Mlambo-Ngcuka, phụ nữ chỉ chiếm 25% số người có quyền lực trên thế giới. Nam giới chiếm 75% trong các quốc hội, 73% các vị trí quản lý, 70% các nhà đàm phán về vấn đề môi trường hay hòa bình. Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) ngày 6-3 công bố số liệu cho thấy cứ 3 nhà quản lý doanh nghiệp ở châu Âu thì chỉ có 1 nữ mặc dù phụ nữ chiếm tới 50% lực lượng lao động ở lục địa già. Năm 2019, trong số 6,7 triệu nhà quản lý doanh nghiệp ở châu Âu chỉ có 2,5 triệu nữ. Ngoài ra, phụ nữ cũng chỉ chiếm 25% trong ban lãnh đạo của các công ty niêm yết giá công khai ở châu Âu.

Khoảng cách về giới vẫn tồn tại trên toàn cầu và số lượng phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực như kinh doanh hay chính trị thấp hơn nhiều so với nam giới. Cơ hội tiếp cận với công việc được trả lương của phụ nữ vẫn đình trệ trong 20 năm qua khi họ là đối tượng phải gánh vác việc nhà và hơn 1/3 phụ nữ trong độ tuổi 25-54 không tham gia lực lượng lao động. Theo nghiên cứu của LHQ công bố ngày 5-3, gần 90% dân số thế giới có một số định kiến nhất định với phụ nữ.

Các số liệu trên cho thấy những rào cản vô hình mà phụ nữ phải đối mặt để đạt được bình đẳng, bất chấp những tiến bộ mà thế giới đạt được trong nhiều thập niên.

Tin cùng chuyên mục