Rào cản thương mại điện tử

Ấn Độ sẽ cấm các công ty thương mại điện tử như Amazon và tập đoàn Flipkart thuộc sở hữu của Walmart bán sản phẩm từ các công ty mà họ có lợi ích cổ phần. Các quy tắc mới sẽ được áp dụng từ ngày 1-2-2019.

Theo Bộ Công thương Ấn Độ, một thực thể có sự tham gia cổ phần thị trường thương mại điện tử hoặc có cổ phần ở các công ty liên kết, hoặc có sự kiểm soát đối với hàng tồn kho liên kết nhiều công ty, sẽ không được phép bán sản phẩm của mình trên nền tảng Internet do chính thực thể đó điều hành. Hiện tại, các công ty thương mại điện tử có thể mua hàng số lượng lớn thông qua các đơn vị bán buôn hay nhóm các công ty liên kết rồi bán lại sản phẩm cho người tiêu dùng hoặc các nhà buôn lẻ với mức giá hấp dẫn. Tuy nhiên, các nhà bán lẻ và thương nhân Ấn Độ cho rằng các công ty thương mại điện tử khổng lồ đang thông qua các thỏa thuận bán hàng độc quyền cho phép họ bán một số sản phẩm tồn kho ở mức giá rất thấp, tạo ra thị trường không công bằng.

Hồi tháng 5, nhóm vận động hành lang đã đệ đơn kiến nghị chống lại Flipkart với cáo buộc vi phạm các quy tắc cạnh tranh thông qua chế độ ưu đãi cho người mua. Tương tự, Hiệp hội các nhà cung cấp trực tuyến toàn Ấn Độ (AIOVA) vào tháng 10-2018 đã đệ đơn kiến nghị lên Ủy ban cạnh tranh chống ủy thác của Ấn Độ (CCI), cho rằng Amazon liên kết với các công ty mà họ sở hữu một phần như Cloudtail và Appario. Theo tờ India Express, các quy tắc mới sẽ xoa dịu các thương nhân nhỏ và nông dân, những người sợ rằng các công ty của Mỹ đang thâm nhập vào thị trường bán lẻ Ấn Độ và có thể đánh bật các cửa hàng nhỏ bán lẻ của Ấn Độ. 

Amazon chi nhánh Ấn Độ cho biết, họ đang đánh giá mức ảnh hưởng, trong khi Flipkart chưa có phản ứng về quyết định mới của Chính phủ Ấn Độ. Có nguồn tin cho biết Amazon có thể phải bán cổ phần của mình tại Cloudtail chi nhánh Ấn Độ, để cho phép Cloudtail bán sản phẩm của Amazon. Hiện tại, các đơn vị bán lẻ thương mại điện tử như Retailnet India, Cloudtail, Appario Retail do Flipkart và Amazon vận hành và sở hữu lên đến 80%-90% cổ phần.

Chính sách FDI đối với lĩnh vực thương mại điện tử tại Ấn Độ cho phép các công ty 100% vốn đầu tư vào mô hình thương mại điện tử trên thị trường nhưng không được phép sử dụng thương mại điện tử dựa trên hàng tồn kho. Ngoài ra, Chính phủ Ấn Độ đặt giới hạn tối đa 25% hàng tồn kho mà một hoặc một nhóm công ty có quyền bán thông qua thương mại điện tử. 

Trong khi đó, theo trang mạng DNA của Ấn Độ, những người chuyên săn hàng giá rẻ trên mạng cảm nhận được “cú sốc lớn” khi Chính phủ Ấn Độ thông báo quy định mới về thương mại điện tử vào tối 26-12. Người tiêu dùng đang lo ngại giá sản phẩm mua trên mạng có thể tăng đáng kể. Điều này về cơ bản có nghĩa là mua hàng trực tuyến sẽ không còn gì hơn mua hàng theo cách truyền thống, ngoài sự thuận tiện. Các chuyên gia tin rằng các công ty thương mại điện tử bị ảnh hưởng sẽ bận rộn tái cấu trúc mô hình kinh doanh, cổ phần và giao dịch của mình. Cũng có thể các đại gia như Amazon hay Flipkart tìm cách lách luật bằng cách  khai thác các công ty hầu như không có tên tuổi trên mạng để bán hàng. Điều này chắc chắn sẽ đặt ra bài toán hóc búa cho các nhà quản lý Ấn Độ.

Tin cùng chuyên mục