Rà soát toàn bộ hệ thống tiêu thoát nước đô thị

Dưới góc nhìn của một nhà quy hoạch, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP về vấn đề ngập.

- PHÓNG VIÊN: Tình trạng cứ mưa là ngập đang tái diễn ở nhiều thành phố lớn. Theo ông, vì sao? 

* Ông TRẦN NGỌC CHÍNH: Ngập úng đô thị là vấn đề nan giải mà nhiều đô thị lớn trên thế giới, kể cả các nước phát triển như Pháp, Mỹ, Nhật Bản…, cũng phải đối mặt. Đặc biệt, khi có những hiện tượng thời tiết dị thường, mưa bão lớn thì không thiết kế đô thị nào có thể xử lý được. Tuy nhiên, nếu vừa mới mưa xuống đã ngập rất nhanh thì hệ thống tiêu thoát nước có vấn đề.

Từ trước đến nay, chúng ta vẫn xử lý ngập úng nhưng dường như chưa làm đến nơi đến chốn, hoặc mới chỉ xử lý phần ngọn, chưa tìm được chính xác nguyên nhân để xử lý tận gốc, do đó tình trạng ngập úng sẽ còn tái diễn, thậm chí gia tăng cùng với tốc độ đô thị hóa.

Rà soát toàn bộ hệ thống tiêu thoát nước đô thị ảnh 1 Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính

- Ông có thể nói rõ hơn về nguyên nhân gây úng ngập và những hạn chế, bất cập trong xử lý hiện nay?

 * Việc hệ thống tiêu thoát nước hoạt động không tốt có thể có một số nguyên nhân. Thứ nhất, hệ thống tiêu thoát nước được thiết kế theo quy chuẩn nhưng công tác thi công lại không tuân thủ đúng như thiết kế. Bên cạnh đó, đơn vị giám sát thi công, nghiệm thu công trình chưa làm hết trách nhiệm, hoặc không có đủ máy móc, thiết bị để kiểm tra xem có đúng tiêu chuẩn thiết kế hay không.

Thứ hai, công tác quản lý trong quá trình khai thác, sử dụng còn nhiều bất cập.

Thứ ba, ý thức của một bộ phận người dân chưa tốt, có những người cố tình cạy tấm đan che miệng cống để đổ nhiều chất thải rắn xuống. Mật độ xây dựng cao, diện tích mặt bằng bị bê tông hóa nhiều, hệ thống thấm nước qua cỏ bị thu hẹp, trong khi nhiều ao, hồ bị lấp cũng là nguyên nhân dẫn đến ngập úng đô thị.

Trên thực tế, thời gian qua, việc điều chỉnh quy hoạch ở một số nơi còn tùy tiện, chỉ nhằm mục tiêu tăng diện tích đất xây nhà, nâng số tầng để bán căn hộ, còn hạ tầng thoát nước không được quan tâm đúng mức. 

Rà soát toàn bộ hệ thống tiêu thoát nước đô thị ảnh 2 Công ty Thoát nước đô thị TPHCM hút sình khai thông cống trên đường Võ Thị Sáu, quận 3. Ảnh: HOÀNG HÙNG

- Vậy có phải các nhà quy hoạch, thiết kế đô thị của chúng ta đã thiếu tầm nhìn, hoặc tính toán không kỹ lưỡng khi thiết kế, xây dựng hệ thống tiêu thoát nước tại các đô thị lớn?

* Về lý thuyết, ngay từ khi quy hoạch, thiết kế đô thị, các cơ quan quản lý nhà nước đã phải tính toán kỹ về vấn đề thoát nước đô thị, trong đó có hệ thống thoát nước mưa. Các nhà thiết kế phải dựa trên cơ sở đo đếm lượng mưa trong khoảng 50-100 năm, tính được lượng mưa trung bình và lượng mưa cao nhất để tính toán mức nước chảy và thiết kế hệ thống cống tiêu thoát có công suất phù hợp ở mức tối đa. Đó là nguyên tắc bắt buộc khi thiết kế đô thị, chứ không phải là tầm nhìn. Tôi cho rằng hệ thống thoát nước ở các đô thị hiện nay hoạt động chưa tốt, có tới 60% cống thoát nước ở các đô thị đang có dòng chảy yếu, có thể bị ách tắc đâu đó dẫn đến giảm năng lực tiêu thoát.

- Theo ông, để khắc phục vấn đề úng ngập tại các đô thị Việt Nam, cần giải pháp trước mắt, lâu dài là gì?

* Trước mắt, các đô thị lớn cần rà soát, kiểm tra lại toàn bộ hệ thống cống tiêu thoát nước, từ thiết kế, thi công, quản lý khai thác, nhằm đảm bảo hệ thống được thông suốt. Các cơ quan, đơn vị quản lý thoát nước đô thị phải tìm ra chính xác nguyên nhân để quy trách nhiệm và tìm biện pháp xử lý. Về biện pháp căn cơ hơn, các đô thị của Việt Nam có thể học hỏi, nghiên cứu các giải pháp từ các đô thị lớn trên thế giới, ví dụ như giải pháp hạn chế lát bê tông bề mặt, giải pháp xây bể ngầm chứa nước mưa...

* Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có nguy cơ ngập cao (47,29% diện tích), trong đó Cà Mau và Kiên Giang là các tỉnh có nguy cơ ngập cao nhất (tương ứng 79,62% và 75,68% diện tích).

* Đồng bằng sông Hồng có khoảng 13,20% diện tích bị ngập; các tỉnh ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận có khoảng 1,53% diện tích có nguy cơ bị ngập.

* Khoảng 58,4% diện tích Đồng bằng sông Hồng có cốt nền ở mức thấp hơn 2m, hơn 72% diện tích đồng bằng ở cốt nền thấp hơn 3m. Nếu mực nước biển dâng 80cm, 8,4% diện tích vùng Đồng bằng sông Hồng có nguy cơ bị ngập.

* Các đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long có cốt nền thấp hơn mực nước lũ, mực nước triều tính toán và mực nước biển dâng.

* TPHCM hiện có khoảng 50% diện tích đất thấp hơn mực nước biển khoảng 2m, nhiều khu vực có địa hình thấp trũng, thường xuyên xảy ra ngập úng do triều cường và do mưa. 

Tin cùng chuyên mục