Rà soát lại quy hoạch, việc nên làm ngay

Kinh tế phát triển dựa vào nông nghiệp, du lịch từ lâu đã giúp Đà Lạt có những bước chuyển mình, tạo được thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trước xu hướng đô thị hóa và tốc độ phát triển du lịch như hiện nay, nhiều diện tích đất nông nghiệp trong nội thành Đà Lạt đã trở thành “điểm nóng”…
Nhiều người dân tại Đà Lạt tiến hành làm “mới” đất nông nghiệp
Nhiều người dân tại Đà Lạt tiến hành làm “mới” đất nông nghiệp

Làm du lịch “lụi” 

Dù chưa hoàn thiện các hạng mục, nhưng “Vườn thượng uyển bay” của Hợp tác xã Du lịch canh nông tổng hợp Xuân Ái Hùng (phường 10, TP Đà Lạt) đã tiến hành khai trương điểm du lịch canh nông. Đây là dự án được UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận chủ trương đầu tư thành điểm du lịch canh nông, với mục tiêu canh tác các loài hoa đặc thù của Đà Lạt để cung cấp cho thị trường và kết hợp phục vụ du lịch tại địa phương. Quy mô của dự án 1,7ha, trong đó phần xây dựng đáng kể nhất là nhà điều hành 100m², khu trưng bày giới thiệu sản phẩm 100m²…

Thế nhưng, do muốn có điểm tham quan cho du khách ngay cửa ngõ thành phố nên chủ đầu tư đã đầu tư trồng các loại hoa, cây cảnh tạo thành điểm “check in”, xây thêm các công trình phục vụ khách tham quan…. Vừa qua, Đà Lạt đã phạt chủ đầu tư 15 triệu đồng về hành vi xây dựng công trình không có giấy phép. Đây là quyết định đúng theo luật, nhằm đảm bảo trật tự xây dựng trên địa bàn. Báo SGGP đã đưa tin về quyết định này của Đà Lạt. Song những trường hợp như vậy không phải là cá biệt ở Đà Lạt.

Tương tự, ven quốc lộ 20, dãy công trình bậc thang ngắm cảnh xây dựng trên đất nông nghiệp thuộc tổ Sào Nam, phường 11, TP Đà Lạt cũng lần lượt bị xử phạt hành chính do không có giấy phép. Nơi đây vốn là những băng đất nhỏ, hẹp, giật cấp, ít được người dân sử dụng vào hoạt động sản xuất nông nghiệp. Tận dụng không gian thoáng phía dưới thung lũng, các hộ dân tại đây đã có ý tưởng xây dựng những bậc thang vươn lên cao, tạo điểm nhấn thu hút lượng lớn khách tham quan. “Dù bị xử phạt hành chính và được hướng dẫn để đi làm các thủ tục cấp phép nhưng không có nơi nào đồng ý chấp thuận, bởi đây là đất nông nghiệp”, một hộ dân kinh doanh dịch vụ tự phát tại phường 11, TP Đà Lạt, cho biết.

Cái khó của người dân ở đây là muốn làm gì thêm để phát huy hết giá trị của đất đều vướng rào cản pháp lý. Do đó, họ đều… liều làm và chấp nhận sai phép, thậm chí không cần giấy phép. 

Quy hoạch khu nông nghiệp phục vụ du lịch

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện thí điểm xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp. Trong đó, có mô hình du lịch nông nghiệp tại khu phố Hồ Xuân Hương (phường 9, TP Đà Lạt) và mô hình du lịch nông nghiệp công nghệ cao Trại Mát, đã được phê duyệt nhưng giữa các điểm chưa có sự gắn kết. Ngoài ra, để được công nhận “Tuyến du lịch canh nông” thì khu vực đó sẽ phải đạt 26/32 tiêu chí trở lên (từ 80% tiêu chí), như có mô hình ban điều hành, hợp tác xã, tổ hợp tác quản lý; tối thiểu có 4 nhà vườn liên kết; các nhà vườn phải đảm bảo đủ diện tích để du khách tham quan, trải nghiệm; có thuyết minh viên tại từng điểm du lịch (có thể là chủ vườn, lao động đã qua đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ); nhân viên giao tiếp cơ bản tiếng Anh…

Đối với “Điểm du lịch canh nông” phải đủ điều kiện công nhận khi đạt 24/30 tiêu chí trở lên (như: có bao bì riêng cho từng sản phẩm nông sản; sản phẩm đặc trưng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bán đúng giá niêm yết; ít nhất 2 thuyết minh du lịch được đào tạo; trang bị nông cụ, phương tiện cần thiết cho khách du lịch trải nghiệm; có khu vực thu gom, xử lý rác thải...). Tất cả những tiêu chí kể trên dù không sai nhưng chiếu với thực tế rất khó cho nhiều người, nhiều chủ đầu tư. Bởi lẽ, để đạt được các tiêu chí ấy, cần có thời gian đào tạo nghiệp vụ, cần có vốn đầu tư lớn… mà hầu hết đều vượt khả năng của đại đa số nông dân Đà Lạt. 

Nhìn nhận cơ hội từ những mảnh vườn của mình, anh Nguyễn Văn Trung (tổ Lộc Quý, xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt), chủ nhân cánh đồng hoa cẩm tú cầu, được UBND TP Đà Lạt công nhận là một trong số các điểm tham quan du lịch canh nông, cho rằng, muốn thu hút khách tham quan không nhất thiết phải xây dựng cho thật nhiều công trình. Nếu làm du lịch trên đất nông nghiệp thì càng phải tôn trọng những gì sẵn có và chỉ nên cải tạo lối đi, bến bãi đậu xe; một số hạng mục phụ trợ như nhà vệ sinh, gian hàng trưng bày sản phẩm. Trên thực tế, nhờ những nét độc đáo riêng, khu vườn của gia đình anh Trung có thời điểm đón hơn 1.000 lượt khách/ngày, doanh thu hơn 2 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, để làm được điều đó người dân rất cần được nhà nước hỗ trợ về chính sách.

Theo TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn, việc sử dụng đất như thế nào cần phải ưu tiên xem xét trong nhu cầu tổng thể, mang tính định hướng lâu dài. Nhu cầu của người dân phải nằm trong tổng thể, không xử lý cho từng lô đất cục bộ. Nếu lô đó nằm trong khu vực nào thì xử lý theo khu vực đó. Vì vậy, Đà Lạt cần có định hướng để người dân biết khu vực nào có thể làm du lịch gắn với nông nghiệp, tránh trường hợp người dân làm tự phát. Với đô thị đặc thù như Đà Lạt thì khu vực nội thành là khu đô thị cũ, ra phía ngoài sẽ có vành đai xanh nông nghiệp, chủ yếu vẫn là không gian xanh, nông nghiệp. Trong khu vực đó, không chỉ phục vụ riêng nông nghiệp mà còn phục vụ du lịch. Sau đó, đi ra xa hơn là khu đô thị vệ tinh. 

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt, cho biết, người dân nếu có ý tưởng đa dạng hóa hình thức sử dụng đất nông nghiệp thì có thể triển khai dự án trên đất nông nghiệp, như du lịch canh nông, trong đó nhà nước vẫn ưu tiên cho làm các chòi nghỉ chân, gian trưng bày hàng hóa, bãi xe công cộng khi người dân chuyển qua loại đất khác (đất phi nông nghiệp). Người dân sẽ phải trả tiền theo từng mức, giá trị bằng khoảng 60% giá trị đất ở. Ngoài ra, nếu lựa chọn hình thức thuê đất dịch vụ có thể trả phí hàng năm hoặc nhiều năm, giá chỉ từ 1% giá trị chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp. Từ cơ sở đó, người dân có thể thực hiện dự án để giảm thiểu chi phí.

“Không giới hạn diện tích thực hiện nhưng phải có đề án trình phê duyệt, phần nào làm nông nghiệp, phần nào phi nông nghiệp (cũng chỉ được một tỷ lệ nhỏ nhất định so với tổng dự án) và không được xây dựng công trình kiên cố”, ông Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh.

Ông Hoàng Minh Trí - Nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch TPHCM, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM: Đặt lên bàn cân tất cả các lợi ích liên quan
Trồng một vài ngàn mét vuông rau củ trong nội thành (đất nông nghiệp) chắc chắn tốn chi phí và tạo ra nhiều tác dụng tiêu cực hơn rất nhiều so với trồng cả một cánh đồng lớn, ở một không gian rộng lớn hơn như ngoại thành. Nội thành nóng bức hơn, chắc chắn người nông dân sẽ phải tốn tiền tưới nhiều hơn… Rồi khi họ bơm thuốc trừ sâu, bón phân… hơi thuốc, hơi phân bón sẽ bốc lên, ảnh hưởng tới môi trường của những người sống xung quanh. Do đó, theo tôi, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển đô thị phải cân được hết các lợi ích liên quan, để đưa ra được quyết định đúng đắn. Vấn đề mảng xanh trong đô thị sẽ được giải quyết bằng các công viên, mảng xanh trên đường phố và việc vận động người dân trồng cây tại nhà. Tất nhiên, để đảm bảo cho nội thành thông thoáng, tất cả không bị “biến” thành đất xây dựng, ngành chức năng có thể đưa ra các chỉ tiêu, mật độ xây dựng hợp lý. 
TÂM ĐỨC ghi

Tin cùng chuyên mục