Ra quân kiểm tra các cửa hàng xăng dầu

Theo kế hoạch đã công bố, từ đầu tuần này, đoàn thanh tra của Bộ Công thương kiểm tra, thanh tra hoạt động kinh doanh xăng dầu, dự kiến kéo dài khoảng 15-20 ngày, tập trung vào các địa bàn nóng như TPHCM và khu vực ĐBSCL, do tại đây thời gian qua xuất hiện tình trạng găm hàng, đầu cơ, tạm ngưng hoạt động... gây những dấu hiệu gây bất ổn cho thị trường xăng dầu.
Người dân xếp hàng đợi mua xăng tại một cây xăng ở quận Gò Vấp, ngày 20-2. Ảnh: THI HỒNG
Người dân xếp hàng đợi mua xăng tại một cây xăng ở quận Gò Vấp, ngày 20-2. Ảnh: THI HỒNG

Thanh tra đột xuất

Theo Thanh tra Bộ Công thương, sẽ có 3 đoàn thanh tra chuyên ngành, tiến hành đợt kiểm tra đột xuất với các thương nhân, doanh nghiệp đầu mối về việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh xăng dầu để kịp thời xử lý các vi phạm, đảm bảo chấn chỉnh để ổn định thị trường.

Trong số 33 doanh nghiệp được kiểm tra đợt này, có cả những đơn vị lớn như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng Công ty Dầu Việt Nam - Công ty cổ phần (PVOil), Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Xăng dầu quân đội, Công ty cổ phần Hóa dầu quân đội…

Thanh tra Bộ Công thương cũng cho biết, đợt thanh tra, kiểm tra còn tập trung làm rõ hoạt động cấp phép kinh doanh xăng dầu, các tài liệu liên quan như giấy phép kinh doanh, giấy xác nhận của Bộ Công thương cho các đơn vị đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu. Thời gian qua, do việc cấp phép được cho là tràn lan nên đã xuất hiện nhiều trường hợp kinh doanh vi phạm pháp luật, buôn bán xăng dầu giả, buôn bán hóa đơn…

Vụ Thị trường trong nước và Thanh tra Bộ Công thương sẽ tổng kiểm tra rà soát các doanh nghiệp đầu mối có chức năng nhập khẩu xăng dầu, yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động đúng với nội dung trên giấy phép và phải góp phần tích cực đảm bảo nguồn cung xăng dầu (tính cả nguồn trong nước và nhập khẩu), đáp ứng nhu cầu nền kinh tế.

Trong quá trình kiểm tra, vừa thanh tra theo kế hoạch và có những cuộc thanh tra đột xuất trên phạm vi cả nước. Đối với các cơ sở kinh doanh, nếu từ 6 tháng trở lên kể từ thời điểm kiểm tra trong tháng 2 mà không nhập khẩu xăng dầu để cung ứng cho thị trường, cơ quan chức năng sẽ kiên quyết đình chỉ, tạm đình chỉ, rút giấy phép. Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tổ chức kiểm tra với tần suất dày (1-2 ngày/lần) để kịp thời phát hiện, xử lý những đại lý, cửa hàng xăng dầu sai phạm.

TPHCM: Một số cây xăng không kịp nhập hàng

Ngày 20-2, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM phối hợp Sở Công thương TPHCM cùng các đơn vị chức năng kiểm tra một số cửa hàng bán xăng trên địa bàn TPHCM. Kiểm tra thực tế, lực lượng liên ngành phát hiện một số cửa hàng treo biển “hết xăng”, có nơi ghi “hết xăng, còn dầu”.

Ra quân kiểm tra các cửa hàng xăng dầu ảnh 1 Lực lượng liên ngành quản lý thị trường kiểm tra  một cây xăng treo biển “hết xăng” tại quận Gò Vấp, TPHCM ngày 20-2

Chẳng hạn, tại cây xăng treo biển Công ty TNHH TM DV Biên Khoa, có logo của nhà phân phối xăng dầu Mipec trên đường Phạm Văn Chiêu (phường 14, quận Gò Vấp), phía trước treo bảng “hết xăng”. Khi tiến hành kiểm tra tại các bồn chứa, lực lượng liên ngành ghi nhận lượng xăng còn quá ít, gần cạn đáy bồn. Theo đại diện cửa hàng giải thích, mỗi bồn chỉ còn khoảng 100-200 lít nên không thể bơm lên bán cho khách. Lượng hàng nhập về không kịp cung ứng.

“Vài hôm trước cửa hàng nhập về nhưng người mua đông quá nên lượng hàng hết sạch”, đại diện cửa hàng cho hay. Một cây xăng khác cũng trên đường Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp) thuộc chi nhánh Công ty cổ phần Hóa dầu Quân đội tập trung rất đông xe gắn máy vào đổ xăng. Người mua xếp hàng dài chờ tới lượt. 

Trao đổi với PV Báo SGGP tối cùng ngày, ông Trương Văn Ba, Cục trưởng Cục QLTT TPHCM nhận định, qua kiểm tra thực tế tại một số điểm kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố, quản lý thị trường ghi nhận việc cung ứng xăng dầu đều ổn định. Tình trạng một số cây xăng treo biển hết hàng không phản ánh tình trạng thiếu xăng mà do các cây xăng này chưa kịp nhập hàng về.

“Hiện tại, Cục QLTT TPHCM sẽ tiếp tục tăng cường quản lý địa bàn, giám sát chặt chẽ tình hình kinh doanh xăng dầu tại các điểm bán nhằm góp phần ổn định thị trường, đảm bảo nguồn cung xăng dầu. Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm những điểm kinh doanh vi phạm, gây nhiễu loạn thị trường”, ông Trương Văn Ba cho hay.

Trước đó, trong buổi họp báo ngày 17-2, Sở Công thương TPHCM thông tin, từ đầu tháng 2 đến nay, sau khi giá xăng, dầu được điều chỉnh, thành phố chỉ có 5 cửa hàng/548 cửa hàng đôi lúc thiếu xăng, có lúc thiếu dầu, không phải đóng cửa (chiếm tỷ lệ chưa đến 1% và xảy ra cục bộ ở một số nơi).

Nguyên nhân là mức chiết khấu hiện nay của một số cửa hàng xăng dầu trên địa bàn chỉ ở mức 80-200 đồng/lít, thậm chí có tình trạng cửa hàng không được chiết khấu. Do đó, nhiều đại lý có tâm lý tạm ngưng kinh doanh để giảm lỗ.

Giá xăng dầu có thể tiếp tục tăng mạnh

Theo tính toán của các doanh nghiệp và Vụ Thị trường trong nước, do giá dầu thô thế giới trong 10 ngày qua tiếp tục tăng cao nên dự báo giá xăng dầu bán lẻ ở thị trường nội địa sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng ở mức cao vào ngày hôm nay, 21-2. Mức tăng có thể lên tới 1.000 đồng/lít và đây sẽ là lần tăng thứ 4 liên tục kể từ đầu năm 2022.

Hiện mỗi thùng dầu WTI đã vượt 94 USD, giá dầu Brent tăng trên 96 USD/thùng, dự báo giá dầu thô có thể vượt 100 USD/thùng... do biến động địa chính trị thế giới, căng thẳng Nga - Ukraine và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vẫn giữ kế hoạch sản xuất 400.000 thùng/ngày...

Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, để giảm tác động của giá xăng dầu thế giới tới thị trường xăng dầu nội địa, Bộ Công thương đã yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đầu mối, thương nhân phân phối cung cấp số liệu cụ thể về lượng hàng mua trực tiếp từ các nhà máy lọc dầu trong nước; lượng xăng dầu thực tế mà các đơn vị sản xuất trong nước đã giao từ đầu năm 2022 đến nay.

Căn cứ trên cơ sở dữ liệu này, Bộ Công thương sẽ tính toán nguồn sản xuất trong nước, giao hạn mức nhập khẩu tối thiểu cho các đơn vị đầu mối để đảm bảo đủ nguồn cung cho thị trường ngay cả trong kịch bản xấu nhất. Đồng thời, Bộ Công thương cũng đề nghị Chính phủ cho phép liên bộ Công thương - Tài chính được linh hoạt điều hành giá xăng dầu trong nước để tiệm cận giá thế giới. Trong điều kiện nguồn cung khó khăn thì cho phép được sử dụng quỹ dự trữ xăng dầu quốc gia khi cần thiết.

Tin cùng chuyên mục