Ra mắt sách từ truyền thống đấu tranh đến hành trình khởi nghiệp

Gia tài của tôi  Người thả diều là hai quyển sách mang đậm dấu ấn từ truyền thống đấu tranh đến hành trình khởi nghiệp của hai tác giả Lê Quang Đồng và Lê Thị Thanh Lâm. Cả cha và con viết sách không phải là chuyện hiếm nhưng ra mắt sách cùng lúc như trường hợp của hai tác giả trên thì quả là hiếm có. 

Hai cha con tác giả Lê Quang Đồng và Lê Thị Thanh Lâm trong ngày ra mắt sách

Tác giả Lê Quang Đồng (sinh năm 1928 tại xã Đạo Thạnh, Mỹ Tho, Tiền Giang) tham gia kháng chiến từ năm 17 tuổi, từng giữ các chức vụ Phó ban Nghiên cứu Văn phòng Thành ủy TPHCM, Nguyên Thường vụ Quận ủy Quận 3, Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang.

Ra mắt sách từ truyền thống đấu tranh đến hành trình khởi nghiệp ảnh 2 Tác giả Lê Quang Đồng

Tác phẩm Gia tài của tôi của Lê Quang Đồng được tác giả hoàn tất vào năm 2010 và ngay sau đó đã đạt giải thưởng đặc biệt trong cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”, được phát động từ năm 2007 đến năm 2010. Trước đó, tác giả cũng đã thực hiện một cuốn hồi ký khác với nhan đề Người ở lại rất nổi tiếng nhờ tính chân thật, thẳng thắn.

Gia tài của tôi là một câu chuyện dài, được tác giả kể lại từ thuở ấu thơ đến ngày đi theo kháng chiến, những cuộc hành quân, những công việc được triển khai, như những mắt xích quan trọng của cuộc kháng chiến.

Ra mắt sách từ truyền thống đấu tranh đến hành trình khởi nghiệp ảnh 3 Hồi ký Gia tài của tôi 

Từ kháng chiến chống Pháp đến chống Mỹ, nhiều sự kiện có thể lẫn lộn, nhưng con người và những tình cảm trong sách rất thật. Trong cuốn sách này, tác giả không có tham vọng trở thành người viết sử hay viết những trang truyền thống cách mạng, ông viết như là muốn kể chuyện “đời xưa” cho con cháu của ông nghe. Cho nên cái cách xưng “Ba” ở ngôi thứ nhất cũng rất đặc biệt, dễ thương và gần gũi vô cùng.

Lê Thị Thanh Lâm là con gái út của tác giả Lê Quang Đồng. Hiện bà là Phó Tổng Giám đốc Công ty Saigon Food, Phó Chủ tịch Hội Nữ Doanh nhân TPHCM, Ủy viên Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ Khởi nghiệp Quốc gia  Khu vực phía Nam. Bà Thanh Lâm bộc bạch: Ban đầu không có ý định viết sách nhưng khi thấy bố đã gần 90 vẫn ra sách nên bà cũng đã bắt tay vào thực hiện tác phẩm Người thả diều.

Nếu như người cha với tác phẩm Gia tài của tôi hướng đến khơi dậy ở bạn đọc trẻ tình yêu Tổ quốc thông qua những ký ức hào hùng của một thời chinh chiến thì ở tác phẩm Người thả diều, con gái ông lại hướng vào những vấn đề của thời hiện đại, khuyến khích và thúc đẩy người trẻ trên hành trình xây dựng đất nước.

Là một chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp, tác phẩm Người thả diều của tác giả Thanh Lâm tập trung nhiều vào mảng đề tài này, chia sẻ đến bạn đọc nhiều kinh nghiệm và bài học quý báu trong hành trình khởi nghiệp. 

Ra mắt sách từ truyền thống đấu tranh đến hành trình khởi nghiệp ảnh 4 Tác phẩm Người thả diều chia sẻ nhiều kinh nghiệm và bài học quý báu trong hành trình khởi nghiệp. 

Chân thành và thẳng thắn, tác giả bộc bạch ngay trong lời đầu sách: “…Khi lên TPHCM học đại học, từ năm 1978, thời cả xã hội phải ăn bo bo độn cơm, tôi phải vất vả rất nhiều để theo đuổi việc học hành. Nhưng tôi cảm thấy mình vẫn rất hạnh phúc, vì không phải đối diện với chuyện sống - chết như hồi chiến tranh ở dưới quê. Cái khó khăn nhất là việc phải bỏ ra thời gian công sức gấp hai ba lần để bù đắp kiến thức bị hổng của một học sinh trường làng. Hoàn cảnh khắc nghiệt của cuộc sống ngay từ lúc còn bé đã tạo cho tôi sự cứng cỏi, vững vàng biết đương đầu với bao thử thách. Điều đó cũng đã giúp ích cho tôi sau này rất nhiều… Tôi nghĩ môi trường nào cũng có thể mang lại cho mình những bài học quý giá để mình trưởng thành hơn, nhận ra được giá trị thực của chính mình”.

Tin cùng chuyên mục