Ra đi để trở về

1. Chiều xuân về lại nhớ đến cái xóm nhỏ khu phố cổ Hà Nội tuổi thơ tôi có nhiều bạn bè, đứa nghịch đứa ngoan, đứa nào nhà cũng nghèo nhưng giàu tình cảm. 
Tượng đài tưởng niệm sự kiện Tập kết 1954 tại TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp
Tượng đài tưởng niệm sự kiện Tập kết 1954 tại TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp

Nhớ sáng chủ nhật đó mẹ cõng tôi ra đầu ngõ thì gặp cô giáo dạy lớp vỡ lòng, bị cô nhắc nhở nó lớn tướng rồi sao còn để mẹ cõng. Hôm sau vào lớp, tôi nhìn cô lấm la lấm lét như mới vừa phạm trọng tội. Nhớ ba tôi gầy gò, mỗi lần đạp xe chở tôi đi ăn phở chỉ gọi một tô rồi ba ngồi nhìn tôi ăn mà thấy no lòng. Hồi ấy tôi cứ thắc mắc tại sao các bạn gọi cha nó bằng bố còn mình thì gọi bằng ba? Ba chỉ cười và nói: bao giờ đất nước thống nhất con sẽ hiểu.

Nhớ con mèo cụt đuôi là thành viên thứ 10 của gia đình tôi, khi nó bệnh chết thì 6 chị em cùng khóc thút thít đem chôn nó dưới gốc cây bàng có đốt nến, thắp nhang đàng hoàng. Nhớ mấy cây nhãn trong sân, khi trái mới chín thì bọn tôi đã hái trộm ăn, đến khi thu hoạch mỗi nhà được chia một rổ nhãn thơm lừng thì chẳng đứa nào còn thèm. Nhớ mãi ngày hôm ấy cả xóm vui như hội, ai cũng hân hoan, không ngớt reo lên: Hòa bình rồi, thống nhất rồi. Tôi nghe nói nhà tôi sẽ chuyển vào Sài Gòn ở với ông bà nội mà tôi chưa được gặp mặt. Thằng bạn nhà bên cứ dặn đi dặn lại rằng bao giờ vào Sài Gòn nhớ nhặt cho nó cái đồng hồ. Ít lâu sau gia đình tôi chuyển vào Sài Gòn trên một chuyến tàu hỏa chất đầy cảm xúc. Bà ngoại ở lại Hà Nội với dì tôi. Dì viết thư cho tôi kể rằng chiều nào bà ngoại cũng ôm cái áo carô cũ dính đầy mực tím của tôi mà khóc: Mi có khỏe không, có nhớ bà không?…

2.  Năm giờ sáng. Đám tang trong một con hẻm nhỏ ở Chợ Lớn đến giờ động quan, mọi người đứng hai bên hẻm, xe cộ tạm ngưng lưu thông qua lại. Bỗng một người phụ nữ trạc 65 tuổi mặc áo đen từ đầu hẻm hớt hải chạy đến quỳ trước quan tài lạy, khóc sướt mướt. Mọi người nhìn nhau tỏ vẻ ngạc nhiên: Ai vậy? Người phụ nữ bước đến chủ tang nói gì đó rồi xin một chiếc khăn tang. Chúng tôi nghe tiếng xì xầm: Vợ bé hả?

Sau lễ động quan, người phụ nữ cùng bước lên đoàn xe đưa người quá cố hỏa táng. Xe chạy ít phút, mọi người hỏi chuyện. Người phụ nữ (nói giọng miền Bắc) kể: “Tôi mới từ Hà Nội vào bằng tàu hỏa. Chú Tư (người quá cố) là ân nhân của vợ chồng tôi. Ngày ấy, chú Tư từ miền Nam tập kết ra Bắc, làm chuyên viên ở Bộ, còn chồng tôi là lái xe, tôi là cấp dưỡng ở một xí nghiệp thuộc Bộ. Chúng tôi ở chung khu tập thể với chú Tư. Chú Tư tốt bụng, luôn quan tâm mọi người. Chính chú Tư tác hôn cho vợ chồng chúng tôi. Chú tặng chúng tôi nửa tháng lương để phụ lo tiệc cưới (ngày ấy đám cưới chỉ gồm bánh kẹo, nước trà). Khi tôi sinh thằng con đầu, chú mang đổi cho vợ chồng tôi cái chăn len Liên Xô chú đang dùng lấy cái chăn bông nhỏ của vợ chồng tôi và bảo: “Chú dùng cái chăn này là vừa rồi”... Đất nước thống nhất, chú Tư trở vào Sài Gòn. Vợ chồng tôi chỉ được gặp lại chú một lần hôm chú ra thăm lại Hà Nội…

Ra đi để trở về ảnh 1 Sông Bến Hải (giới tuyến 17) chia cắt hai miền Bắc Nam suốt 21 năm. Ảnh: Tư liệu Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp
Sống trong con hẻm này đã lâu, chúng tôi biết chú Tư rất rõ. Chú cùng nhóm bạn hưu trí với ba tôi, khi trà dư tửu hậu các ông thường kể nhau nghe chuyện ngày xưa trai trẻ. Tốt nghiệp tú tài Tây, chú Tư đi làm nhân viên bưu điện, lấy vợ rồi có 2 người con. Cuộc sống gia đình đang yên bình, thế nhưng chú đi theo Việt Minh hoạt động cách mạng, năm 1954 tập kết ra miền Bắc, để lại người vợ hiền cùng 2 đứa con thơ dại. Những năm ở Hà Đông, rồi Hà Nội, chú sống lùi lũi một mình, bạn bè nhiều lần mai mối lấy vợ mới, chú chỉ cười và lắc đầu. Đất nước thống nhất, chú trở về miền Nam đoàn tụ gia đình, vẫn chỉ làm chuyên viên, không chức tước gì, có lẽ do cái lý lịch là “con nhà địa chủ”. Khi ấy, người con gái của chú có chồng là sĩ quan Chế độ cũ đi học tập cải tạo, nên chị sáng chiều bên chiếc xe rau má ở đầu hẻm để nuôi đứa con nhỏ; còn người con trai chưa vợ, làm công nhân ở một xí nghiệp nhựa.

Năm 1980, hai chị em trốn chú mang theo đứa cháu ngoại lên tàu vượt biên sang Mỹ. Vậy là nhà chỉ còn chú và cô chăm sóc lẫn nhau. Dù trong sâu thẳm mù khơi có những nỗi buồn, nhưng chú Tư luôn giữ nụ cười, ánh mắt rạng ngời con đường cách mạng chân chính mà chú đã chọn. Chú Tư nghỉ hưu, rồi theo đúng quy luật đời người: sanh, lão, bệnh, tử...

3. Bên ven bờ Hiền Lương chiều nay ra đứng trông về
Mắt đượm tình quê đôi mắt đượm tình quê...
...Trông qua rặng Trường Sơn, miền quê xa khuất chân trời. Mây lặng lờ trôi mây đen lặng lờ trôi. Xa xa một đàn chim, so mây dang cánh lưng trời. Hỡi chim hãy dừng cho ta gửi đến phương xa vời...

Lời ca da diết trong nhạc phẩm nổi tiếng Câu hò bên bờ Hiền Lương được nhạc sĩ Hoàng Hiệp viết trong bối cảnh đau xót của bản thân ông, cũng là tâm trạng của biết bao người khác trong thời kỳ nước nhà còn bị chia cắt. Dòng sông Bến Hải - cầu Hiền Lương (Quảng Trị) như nhân chứng lịch sử của chiến tranh tàn khốc và sự chia ly thấm đẫm nước mắt ở những năm tháng ấy. 

Ra đi để trở về ảnh 2 Tiễn đưa bộ đội tập kết ra Bắc tại bến Bắc Cao Lãnh, tháng 10-1954. Ảnh: Tư liệu Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp
Ngược dòng thời gian, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đập tan nỗ lực cuối cùng của thực dân Pháp có sự giúp đỡ của Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, trực tiếp góp phần đưa đến việc ký kết Hiệp định Genève (20-7-1954) về việc lập lại hòa bình ở Đông Dương. Đất nước tạm thời chia làm hai miền Nam - Bắc, lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự. Hiệp định quy định thời hạn tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất nước Việt Nam vào tháng 7-1956 nên toàn thể cán bộ, chiến sĩ, nhân dân miền Nam tập kết ra Bắc đều tin rằng sau 2 năm sẽ trở về, nhưng không ngờ lời hẹn 2 năm đã trở thành hơn 20 năm. Biết bao người ra đi mang theo nỗi nhớ thương da diết. Có những người để lại vợ con ở miền Nam, có người vừa cưới vợ được vài ngày, vài tháng, cũng có người chưa kịp cưới...

Những ngày cuối năm, chúng tôi về TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp tìm đến khu Tượng đài Tập kết 1954 tại Bến Bắc Cao Lãnh, bên cạnh cầu Cao Lãnh - cây cầu dây văng lớn thứ 3 nối hai bờ sông Tiền. 65 năm trước, nơi đây được chọn làm điểm tập kết, đưa tiễn 13.508 cán bộ, chiến sĩ và con em miền Nam từ các tỉnh Mỹ-Tân-Gò, Long Châu Sa, Gia-Định-Ninh, Phân Liên Khu miền Đông và quân tình nguyện Cao Miên xuống tàu tập kết ra miền Bắc. Chuyến tàu cuối cùng chở đoàn quân tập kết rời bến Bắc Cao Lãnh vào ngày 29-10-1954.

Đứng giữa khu tượng đài lộng gió, nhìn dòng nước sông Tiền chậm rãi trôi, xa xa những cánh chim trời tung bay trong nắng xuân, bỗng ùa về ca khúc Tình ca của Nhạc sĩ Hoàng Việt viết trong những ngày ông chia tay người vợ trẻ, để từ Cà Mau tập kết ra Bắc: “Khi hát lên tiếng ca gửi về người yêu quê ta/Ta át tiếng gió mưa thét gào cuộn dâng phong ba/Em ơi nghe chăng lời trái tim vọng ra...”. Có biết bao lời thơ, lời ca thật da diết về những ngày tháng hào hùng ấy, về một thế hệ những người con miền Nam tập kết ra Bắc, hy sinh hạnh phúc cá nhân, ra đi không màng danh lợi, ra đi vì nghĩa lớn. Ra đi để trở về!

Tin cùng chuyên mục