Quyết tâm kiểm soát các ổ dịch, để không có đến 1.000 người mắc Covid-19

Nếu chúng ta thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia và khuyến cáo của cơ quan y tế thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ thành công như giai đoạn 1 và phải quyết tâm để không có đến 1.000 ca nhiễm Covid-19 ở Việt Nam...

Ngày 27-3, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) gây ra đã có cuộc họp trực tuyến dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, thống kê trên thế giới, thời gian trung bình để số ca mắc Covid-19 tăng từ 100 người lên 1.000 là 7 ngày (riêng Nhật Bản là 28 ngày) nên tính chung là khoảng trên 9 ngày.

Đối với Việt Nam, nếu suy luận theo logic đó, ngày 22-3 Việt Nam đã ghi nhận 100 ca mắc mới (không tính 16 ca mắc ở trong giai đoạn 1) thì hết ngày 31-3 chúng ta có khả năng có 1.000 ca nhiễm.

Tuy nhiên Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ không có 1.000 ca mắc vào thời điểm ngày 31-3 vì Việt Nam đang nỗ lực triển khai các giải pháp chống dịch và đến giờ phút này các giải pháp đó là rất hiệu quả.

Quyết tâm kiểm soát các ổ dịch, để không có đến 1.000 người mắc Covid-19 ảnh 1 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19

Làm rõ hơn về diễn biến của dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, tính từ ngày 7-3, khi chúng ta ghi nhận ca mắc số 17 thì đến nay (ngày 27-3) cả nước có 137 ca mắc mới, trong đó 86 ca đã cách ly ngay từ khi đến Việt Nam, còn 51 ca đã vào cộng đồng.

Trong đó, chỉ riêng chuyến bay VN 0054 vào Việt Nam từ 2-3 đã có 20 ca mắc, rồi trường hợp bệnh nhân số 34 (F0) tại Bình Thuận lây cho 11 người mắc, gồm cả 8 ca F1, 3 ca F2 nhưng đến nay chưa ghi nhận thêm trường hợp nào lây đến F2.

Nếu tính từ cột mốc 100 ca vào ngày 22-3, đến hôm nay đạt 137 ca mắc Covid-19, thì chỉ có 19 người bị phát hiện ở trong cộng đồng, chưa có trường hợp nào F2 lây nhiễm. Kết quả này là nhờ sự kiểm soát rất tốt của Việt Nam đã được thế giới ghi nhận.

“Chúng ta đã và đang kiểm soát tốt các điểm được tạm gọi là ổ dịch, thậm chí tiếp cận những điểm bị coi là ổ dịch tiềm năng để khoanh vùng, dập dịch ngay. Tôi tin nếu chúng ta thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia và khuyến cáo của cơ quan y tế thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ thành công như giai đoạn 1 và phải quyết tâm để không có đến 1.000 ca mắc Covid-19 ở Việt Nam”- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Tại cuộc họp, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế đã thông báo về tình hình một số ổ dịch hiện nay. Theo đó, đến nay, Việt Nam đã khống chế tốt ổ dịch tại Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), Trúc Bạch (Hà Nội) và các ổ dịch khác đang được kiểm soát chặt.

Đối với tình hình dịch Covid-19 tại Bệnh viện Bạch Mai hiện đã thực hiện cách ly toàn diện 3 đơn vị gồm: Viện Tim mạch, Khoa thần kinh và Trung tâm Bệnh Nhiệt đới. Nhân viên y tế các khoa này được cách ly ngay tại khoa và trong khu vực cách ly trong bệnh viện. Bệnh nhân các khoa này cũng được cách ly và tiếp tục điều trị tại khoa (riêng 90 bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm Nhiệt đới được chuyển sang Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương).

Đồng thời, Bộ Y tế đã tổ chức cách ly 573 trường hợp bao gồm nhân viên, bệnh nhân, học viên, người chăm sóc có tiếp xúc gần với trường hợp xét nghiệm dương tính.

Cùng với đó, cơ quan y tế cũng đang tiến hành xét nghiệm sàng lọc virus SARS-CoV-2 cho tất cả nhân viên bệnh viện với gần 4.000 người và khoảng 1.000 bệnh nhân đang điều trị.

Bệnh viện Bạch Mai cũng tạm dừng hoạt động khám chữa bệnh theo yêu cầu, dừng hoạt động của nhà tang lễ và nhà lưu trú cho người nhà bệnh nhân; yêu cầu toàn bộ nhân viên bệnh viện dừng hoạt động khám chữa bệnh ngoài giờ tại các phòng khám tư; giãn khoảng cách giường bệnh tại các khoa quá tải và điều trị người bệnh nặng như: cấp cứu, hồi sức tích cực, thận nhân tạo, ung bướu… giảm tải người bệnh tối đa, đảm bảo âm tính trước khi cho xuất viện và báo y tế địa phương tiếp tục theo dõi sức khoẻ.

Đối với ổ dịch tại quán bar Buddha (ở TPHCM) được nhận định là phức tạp, có thể có nhiều nguồn lây bệnh. Hiện nay, TPHCM đã cách ly tập trung 153 người có tiếp xúc trực tiếp với những ca bệnh được ghi nhận.

Các ổ dịch từ bệnh nhân 100 (tại quận 8, TPHCM), bệnh nhân 34 (Phan Thiết, Bình Thuận) đang được các lực lượng khoanh vùng, cách ly và kiểm tra y tế với hàng trăm hộ dân, tiếp tục rà soát, sàng lọc, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc.

Tin cùng chuyên mục