Quyết tâm chống lạm phát bằng lãi suất

Ngày 16-6, chứng khoán toàn cầu đã đồng loạt tăng điểm sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất thêm 0,75 điểm % - mức tăng lãi suất mạnh nhất trong gần 30 năm qua để kiểm soát lạm phát đang gia tăng.
Chứng khoán toàn cầu đồng loạt tăng điểm sau quyết định tăng lãi suất của FED. Ảnh: EPA
Chứng khoán toàn cầu đồng loạt tăng điểm sau quyết định tăng lãi suất của FED. Ảnh: EPA

Giới đầu tư nhẹ nhõm

Theo giới phân tích, các nhà đầu tư dường như đã nhẹ nhõm hơn khi FED đáp ứng mong đợi của thị trường, đưa ra những động thái quyết liệt hơn để khống chế lạm phát tăng. Sau khi FED quyết định tăng lãi suất, chỉ số của đồng USD cũng đã hạ nhiệt, giảm 0,40%, từ mức cao kỷ lục trong vòng 20 năm.

Đây là lần tăng 0,75 điểm % đầu tiên từ tháng 11-1994. Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), cơ quan quyết sách của FED, tái khẳng định rằng, họ vẫn “cam kết mạnh mẽ đưa lạm phát (ở Mỹ) trở lại mục tiêu 2%” và dự kiến tiếp tục nâng lãi suất chủ chốt. 

Theo CNN, FED cũng hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ trong năm nay và đồng thời ngụ ý về một lộ trình tăng lãi suất mạnh mẽ hơn còn ở phía trước để ngăn chặn lạm phát. Theo đó, GDP nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể chỉ tăng 1,7%, giảm mạnh so với mức dự báo 2,8% hồi tháng 3. Các thành viên FOMC cũng kỳ vọng chỉ số lạm phát ở Mỹ sẽ là 5,2% vào cuối năm nay. Theo dự đoán của các thành viên, lãi suất chuẩn của FED có thể sẽ dừng lại ở mức 3,4% vào cuối năm nay, tức tăng 1,5% so với ước tính hồi tháng 3. Đến năm 2023, mức lãi suất có thể lên đến 3,8%, cao hơn 1% so với dự đoán trước đó.

Các nền kinh tế mới nổi gặp khó

Đối mặt với lạm phát cao nhất trong nhiều thập niên qua, các ngân hàng trung ương của Mỹ, khu vực sử dụng đồng EUR và Anh đều tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Ngày 16-6, Ngân hàng Anh (BOE) cũng tăng lãi suất chỉ đạo thêm 0,25 điểm %, lên 1,25% trong bối cảnh dự báo lạm phát tại Vương quốc Anh có thể lên đến 11% trong năm nay, mức tăng cao kỷ lục trong 40 năm qua. Quyết định tăng lãi suất rất được mong đợi nói trên là lần thứ 5 BOE đưa ra kể từ tháng 12-2021 nhằm siết chặt chi phí cho vay vốn ở mức thấp kỷ lục chỉ hơn 0%. 

Chính sách tiền tệ thay đổi lập tức có tác động lớn đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng, cũng như ảnh hưởng đến các nền kinh tế yếu hơn. Chi phí đi vay ở mức cao sẽ làm chậm lại hoạt động vay nợ, dẫn đến đình trệ trong hoạt động kinh tế. Điều này sau cùng sẽ làm chậm sự gia tăng lạm phát - mục tiêu mà các ngân hàng trung ương hướng tới. Như Chủ tịch FED Jerome Powell cảnh báo, việc kiểm soát lạm phát có thể gây ra một số khó khăn về kinh tế nhưng vẫn là ưu tiên hàng đầu của ông.Ông cũng không thể hứa hẹn về cái gọi là “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế vốn chỉ thực sự xảy ra khi lạm phát về mức 2%, đồng thời thị trường lao động vẫn mạnh. Và để đạt được điều đó vào lúc này là khá khó khăn.

Việc Mỹ tăng lãi suất cũng sẽ ảnh hưởng đến lãi suất đi vay dành cho các nền kinh tế mới nổi - những nước đang vay nợ nước ngoài, bởi bên cho vay sẽ yêu cầu khoản lợi nhuận cao hơn khoản mà họ có thể thu được từ hoạt động đầu tư an toàn hơn tại Mỹ, từ đó cũng thu hẹp nguồn quỹ cho vay. Điều này có thể nhanh chóng làm cạn kiệt ngân sách của các thị trường mới nổi, vốn đã đối mặt sức ép về giá cả năng lượng và chi phí nhập khẩu lương thực gia tăng do đại dịch Covid-19 và xung đột tại Ukraine. 

Ông Eric Dor, người đứng đầu chuyên ngành kinh tế thuộc Trường Quản trị IESEG của Pháp, cho rằng, biện pháp tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát không được hoan nghênh tại các nước đang gặp nhiều khó khăn như Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Argentina hoặc Sri Lanka, bởi biện pháp này sẽ khiến giá cả hàng hóa leo thang và khiến các dòng vốn đầu tư chảy vào Mỹ. Điều đó càng gây thêm khó khăn cho các nước đang vay nợ nước ngoài, thậm chí không loại trừ khả năng xảy ra khủng hoảng kinh tế và gián đoạn thị trường ở các nước này.

Tin cùng chuyên mục