Quyết sách cho hạn mặn

Cuối tháng 3, hạn mặn vẫn đang bủa vây ĐBSCL. Đồng ruộng khô cháy, đất mặt ruộng nứt nẻ, lúa thành cỏ khô. Tình trạng thiếu nước ngọt diễn ra nghiêm trọng toàn vùng. Nước mặn xâm nhập sâu khiến kinh tế - xã hội của cả vùng gặp khó và đời sống người dân lao đao.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 53 của Bộ Chính trị về Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020” vào ngày 18-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, phải chốt cứng diện tích trồng lúa và sản lượng lương thực hàng năm và tăng cường khả năng dự trữ. Cách nay hơn 1 tuần, Thủ tướng cũng đã về Bến Tre thị sát tình hình hạn mặn và làm việc với các tỉnh ven biển ở ĐBSCL đang bị hạn mặn uy hiếp.

Theo thống kê, diện tích lúa bị thiệt hại do đợt hạn mặn năm nay thấp hơn so với năm 2016, vì người nông dân đã tuân thủ khuyến cáo của ngành nông nghiệp, cùng với vụ đông xuân năm nay được mùa, giá cao. Tuy thế, đời sống người trồng lúa vẫn còn nhiều khó khăn, cả với những người làm vườn, nuôi trồng thủy sản, bởi hạn mặn không phân biệt kế sinh nhai của bất kỳ ai.

Cách nay 20 năm, ĐBSCL hứng chịu những trận lũ kinh hoàng. Nước lũ dâng ngập các đô thị, biến ĐBSCL thành biển nước. Thời điểm đó, các nhà chuyên môn hiến kế nhà nước đào kênh thoát lũ ra biển Tây, xây dựng chính sách an sinh xã hội cho vùng ngập lũ, như chương trình cụm tuyến dân cư, chuyển đổi sản xuất, thậm chí còn có ý tưởng đào biển ở Đồng Tháp Mười để hình thành túi chứa nước. Hầu hết các dự án công trình đều tính đến chống lũ, có cả dự án chống lũ triệt để cho TP Long Xuyên và TP Cần Thơ bằng đê bao.

Thế nhưng, khi các quốc gia thượng nguồn sông Mê Công xây hàng loạt đập thủy điện, ĐBSCL - vùng hạ lưu - bắt đầu đói nước ngọt. Nước biển ngày càng vào sâu trong các nhánh sông, có nơi đến hơn 100km, làm đảo lộn sinh hoạt và đời sống của hàng triệu cư dân. Trong khi đó, ĐBSCL là vựa lúa quốc gia, được mệnh danh là “Bát cơm châu Á”, với sản lượng lúa gạo lớn, vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa xuất khẩu. “ĐBSCL ho là cả nước bệnh và thế giới sẽ cảm sốt”, một nhà khoa học ví von vị thế của vùng đất này đối với việc đảm bảo an ninh lương thực, sản lượng thủy sản, trái cây phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trên thế giới. Từ hơn 10 năm trở lại đây, do tác động của các đập thủy điện trên thượng nguồn, ĐBSCL hầu như không còn lũ. Mỗi năm, vào mùa nước đổ về, mức nước thượng nguồn sông Tiền, sông Hậu chỉ dao động ở mức báo động I rồi xuống dần. Càng ngày, nước biển càng lấn sâu vào các cửa sông. 

Trước biến chuyển đó, năm 2017, Chính phủ đã tổ chức “Hội nghị Diên Hồng về ĐBSCL” với mục tiêu phát triển bền vững ĐBSCL. Sau hội nghị, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Đến tháng 6-2019, tại TPHCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả 2 năm triển khai thực hiện nghị quyết nêu trên. Nhiều chương trình, kế hoạch về phát triển ĐBSCL đã được các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo bộ ngành hiến kế, đưa vào chương trình hành động. Thế nhưng, từ sau hội nghị đó đến nay, chuyển biến trong thực tế rất chậm.  

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày một khó lường và tình hình thực tế hiện nay của thượng nguồn sông Mê Công, giữ ĐBSCL an toàn là một bài toán hóc búa. Để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, giữ vị thế xuất khẩu nông thủy sản, theo các chuyên gia, ĐBSCL từng “sống chung với lũ” thì cũng có thể “sống chung với hạn mặn” nếu chúng ta có quyết tâm chiến lược.

Tin cùng chuyên mục