Quyết liệt trị “giặc nội xâm”

Ngày 8-1, Tòa án nhân dân (TAND) TP Hà Nội đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 22 bị cáo trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).

Cùng ngày, TAND TPHCM cũng mở phiên tòa xét xử giai đoạn 2 vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) và một số ngân hàng khác. 

Rõ ràng, lần đầu tiên trong lịch sử pháp đình Việt Nam, trong cùng một ngày có 2 phiên tòa được mở ở hai đầu đất nước xét xử 2 vụ án đều là những vụ án nằm trong diện theo dõi và chỉ đạo của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, nên đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân. Điều này cho thấy sự quyết tâm, quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh đối với các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Đây cũng là hồi chuông cảnh báo đến tất cả những người đã và đang giữ những chức vụ lãnh đạo quan trọng mà đã... “nhúng chàm” thì sớm hay muộn cũng sẽ bị phát hiện, xử lý.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ “giặc nội xâm”, không chỉ gây tổn thất và thiệt hại to lớn về kinh tế mà còn gây nên những thiệt hại về chính trị, xã hội khó lường. Điều tệ hại hơn, các tệ nạn này làm tha hóa cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền, làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; làm cho các chủ trương chính sách bị sai lệch, chệch hướng và làm tiền đề cho mọi sự mất ổn định xã hội, là điều kiện thuận lợi cho các thế lực thù địch gây mất ổn định chính trị”... Nhận thức rõ được những nguy cơ này, kể từ sau Đại hội Đảng lần thứ XII, nhất là sau khi có Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí đã trở nên quyết liệt, mạnh mẽ với nhiều kết quả, mang lại sự khích lệ và niềm tin rất lớn đối với nhân dân. 

Rất nhiều thông tin, quyết định về xử lý kỷ luật cán bộ, tập thể sai phạm, tiêu cực đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương ban hành và công khai, minh bạch trước toàn dân. Cùng với đó, không ít vụ án lớn liên quan tới tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, gây thiệt hại nặng về kinh tế... được đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và đưa ra trước ánh sáng công lý. Có thể thấy, việc quyết tâm xử kỷ luật nghiêm minh những cán bộ lãnh đạo, cán bộ cấp cao, dù là đương chức hay đã nghỉ hưu có sai phạm là minh chứng cụ thể, rõ ràng nhất cho quan điểm không có bất cứ “vùng cấm” trong xử lý các vụ tiêu cực. Điều này cũng khẳng định tinh thần thượng tôn pháp luật, mọi công dân dù ở vị trí nào cũng bình đẳng trước pháp luật và phải chịu sự xử lý nghiêm minh, nếu có sai phạm.

Cả nước đang bước vào những ngày đầu năm mới 2018, đây là một năm bản lề có ý nghĩa vô cùng quan trọng việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XII. Cùng với việc nỗ lực triển khai thực hiện các giải pháp hiệu quả để phát triển kinh tế - xã hội, việc tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm, tập trung chỉ đạo quyết liệt. 

Mới đây, tại lễ trao giải cuộc thi “Báo chí với công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định: “Phòng chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Đây là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao, đấu tranh kiên quyết, kiên trì, liên tục, có hiệu quả từ Trung ương tới cơ sở. Các cấp ủy Đảng, cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo cấp cao phải thật sự tiên phong, gương mẫu, sử dụng sức mạnh tổng hợp của tổ chức Đảng, bộ máy nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, nhân dân và các phương tiện thông tin đại chúng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng”.

Tài sản lớn nhất của Đảng, Nhà nước chính là lòng dân. Thế nên, nếu không trị được “giặc nội xâm” thì lòng dân sẽ khó vững bền. Cuộc chiến chống “giặc nội xâm” trong thời gian tới sẽ còn không ít khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, không thể phủ nhận những kết quả đạt được trong công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng thời gian qua đã và đang mang lại những tín hiệu rất đáng khích lệ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm trong sạch và vững mạnh bộ máy chính quyền với mục tiêu làm trong sạch bộ máy, góp phần đưa đất nước phát triển bền vững. 

Tin cùng chuyên mục