Quyết liệt hơn nữa việc công khai, minh bạch tài sản của cán bộ, công chức

Ngày 25-9, tại Hà Nội, Uỷ ban TƯ MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị góp ý kiến dự án Luật phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi.
Hội thảo góp ý Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi
Hội thảo góp ý Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi

Đáng chú ý, các ý kiến đều cho rằng, cần quy định rõ về việc công khai và minh bạch tài sản thu nhập nhằm kiểm soát biến động tài sản thu nhập một cách thực chất để xử lý đối với những trường hợp có hành vi tham nhũng. Cùng với đó, cần quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu..

 Các đại biểu cho rằng, trong thời gian qua, việc kê khai tài sản, thu nhập còn hình thức, hiệu quả thấp khiến nhân dân bức xúc. Do đó, việc giữ nguyên hay mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập là một nội dung cần được nghiên cứu, phân tích, đánh giá sao cho phù hợp với thực tế. Đồng thời đề nghị quy định rõ về xử lý tài sản, thu nhập mà kê khai không trung thực, không được giải trình một cách hợp lý.

Ông Đỗ Duy Thường, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng phải có cơ chế quy định về việc xử lý tài sản thu nhập có dấu hiệu tham nhũng để tránh tẩu tán thu nhập và chạy trốn ra nước ngoài. “Không quy định cụ thể về cơ chế thì rất khó để thu hồi được tài sản Tôi đề nghị xử lý tài sản trước khi xét xử. Còn hiện nay chỉ khi bản án có hiệu lực thì mới là người có tội và lúc đó mới xử lý tài sản thì đã tẩu tán hết”- ông Thường nói.

Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội Lê Đức Bính cũng đặt vấn đề, dự án Luật sửa đổi phải hướng tới quy định rõ hành vi tham nhũng để dễ nhìn, dễ phát hiện mới chống được tham nhũng. Bên cạnh đó, cần có chế tài và làm triệt để việc thu hồi toàn bộ tài sản do tham nhũng mà có. “Cần quy định việc bồi thường thiệt hại do tham nhũng. Chỉ có vậy mới truy đến tận cùng, để không người nào dám tham nhũng” - LS Bính góp ý.

 TS Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa - xã hội Uỷ ban TƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, Luật PCTN sửa đổi lần này phải hướng vào thiết thực:  “chống ai”, “ai chống” phải rõ ràng cụ thể đối tượng là những ai, vị trí nào có khả năng tham nhũng. Các ĐB đều cho rằng, giải pháp quan trọng để PCTN chính là phải làm mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa việc công khai, minh bạch tài sản của cán bộ, công chức.   “Những gì có thể minh bạch thì không vì lý do đời tư, cá nhân mà không công khai”, ông Nguyễn Viết Chức nêu ý kiến.

Nhiều ý kiến cũng đề nghị quy định rõ nguyên tắc công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Quy định như trong dự thảo luật dẫn đến hạn chế quyền tiếp cận thông tin của báo chí, người dân. Ông Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm thực hiện công khai, minh bạch người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm. Đồng thời quy định rõ Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng định kỳ tổ chức họp báo để công khai hoạt động, nhất là các đoàn kiểm tra về PCTN.

Tin cùng chuyên mục