Quyết liệt giữ an toàn thực phẩm

Thời điểm cuối năm, thị trường thực phẩm lại sôi động để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán và mùa lễ hội. Nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm, rau củ quả tăng cao cũng là cơ hội để thực phẩm bẩn, kém chất lượng trà trộn; vì thế các đơn vị chức năng, doanh nghiệp tại TPHCM đang quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp để tăng kiểm tra, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) cho người tiêu dùng. 
Việc kiểm soát an toàn thực phẩm luôn được các nhà bán lẻ chú trọng
Việc kiểm soát an toàn thực phẩm luôn được các nhà bán lẻ chú trọng

Siêu thị chủ động kiểm soát đầu vào

Lâu nay, vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) luôn được các nhà bán lẻ chủ động triển khai khi thường xuyên lấy mẫu thực phẩm test ngẫu nhiên. Việc làm này được các nhà bán lẻ thực hiện xuyên suốt và ngày càng nâng cao hơn. Có thể kể tới việc nhà bán lẻ Saigon Co.op đã công bố áp dụng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật mới dành riêng cho nhóm hàng thực phẩm tươi sống kinh doanh tại siêu thị. Những chỉ tiêu an toàn và độ tươi ngon của các loại sản phẩm rau củ quả, thủy hải sản, trái cây đều được nâng cao tiệm cận tiêu chuẩn xuất khẩu.

Như chia sẻ của ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op, đây là chương trình thuộc chuỗi hoạt động liên tục nâng cao kiểm soát chất lượng hàng hóa đầu vào của hệ thống bán lẻ Saigon Co.op, phục vụ người tiêu dùng trong nước. Mong muốn của Saigon Co.op là gắn kết chặt chẽ với các nhà sản xuất, đơn vị cung cấp để cùng nâng cao ý thức trách nhiệm, thực hiện tốt việc cung ứng hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm tươi sống.

Thực tế việc kiểm soát chặt chẽ cũng là điều dễ hiểu, bởi thời gian qua trên thị trường, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh chạy theo lợi nhuận không quan tâm đến quyền lợi của người tiêu dùng. Tình trạng thực phẩm hết hạn sử dụng, cận hạn sử dụng bị các đối tượng tẩy xóa, sửa date tiếp tục diễn ra. Hay các đối tượng vận chuyển hàng thực phẩm tươi sống không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy kiểm dịch, trà trộn vào thị trường để tiêu thụ. Chính vì thế, bộ tiêu chuẩn mới của Saigon Co.op cũng chuẩn hóa quy cách đóng gói và ghi nhãn sản phẩm, giúp việc bảo quản sản phẩm trong quá trình xếp dỡ, bảo quản, kiểm soát nguồn gốc sản phẩm chặt chẽ hơn.

Các sản phẩm dùng rơm, giấy báo hoặc vật liệu bao gói không rõ nguồn gốc dễ gây nhiễm chì, nhiễm vi sinh… sẽ bị cấm sử dụng. Việc bao gói sản phẩm bằng ni lông, nhựa cũng sẽ được hạn chế tối đa để bảo vệ môi trường. Đáng chú ý trong bộ tiêu chuẩn mới của Saigon Co.op lần này là tiêu chí kiểm tra độ trưởng thành của sản phẩm. Các loại trái cây, rau củ quả như bưởi, dưa hấu, xoài, quýt, cà chua, dưa leo, khổ qua… bắt buộc phải đạt độ trưởng thành, độ chín phù hợp, mới được đưa vào kinh doanh trong siêu thị.

Ngoài Saigon Co.op, các đơn vị bán lẻ khác như Emart, Big C… cũng cho biết sẽ giám sát chặt hơn với nguồn thực phẩm trước khi được đưa vào kinh doanh tại hệ thống của mình, nhằm bảo vệ sức khỏe và quyền lợi cho người tiêu dùng. Việc làm này được các nhà bán lẻ cam kết không chỉ thực hiện ở thời điểm hiện tại hay cuối năm mà luôn xuyên suốt để đảm bảo uy tín, giúp người tiêu dùng tin tưởng hơn mỗi khi mua sắm. 

Quyết liệt kiểm tra tại các chợ

Trong khi đơn vị bán lẻ chủ động thực hiện kiểm soát chất lượng đầu vào thì ở các chợ đầu mối, chợ truyền thống, việc đảm bảo ATTP cũng đang là mối quan tâm hàng đầu với người tiêu dùng. Bởi theo Sở Công thương TPHCM, trong các ngày cận Tết Nguyên đán sắp tới, dự kiến lượng hàng về 3 chợ đầu mối của thành phố (chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn và chợ đầu mối Bình Điền) vào khoảng 15.000 - 16.000 tấn/ngày, tăng khoảng 80% so với ngày thường.

Việc lượng hàng về chợ tăng cũng đặt ra thách thức cho các đơn vị quản lý, do thời điểm cuối năm là lúc nhiều đối tượng lợi dụng sức mua tăng trà trộn thực phẩm kém chất lượng nhằm trục lợi. Chính vì thế, các đơn vị chức năng của TPHCM đã có những chỉ đạo quyết liệt cho ban quản lý các chợ nhằm đảm bảo ATTP cao nhất cho người tiêu dùng. Như với chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, chỉ riêng từ đầu tháng 12 đến nay, với sự chỉ đạo của các cấp, các ngành, đơn vị này đã phối hợp Đội 9 thuộc Ban Quản lý ATTP TPHCM lấy 220 mẫu thực phẩm kiểm tra chất vi sinh và các chất cấm khác, với phương châm hàng hóa cung ứng ra thị trường bảo đảm chất lượng.

Ngoài ra, công tác kiểm tra, xử phạt cũng được ban quản lý chợ thực hiện nghiêm trong suốt cả năm. Những trường hợp vi phạm, ngoài hình thức cảnh cáo, nhắc nhở, ban quản lý chợ kiên quyết xử lý bằng biện pháp mạnh là thu hồi giấy phép kinh doanh. 

Tương tự, ở chợ đầu mối Bình Điền và Thủ Đức, việc kiểm soát đầu vào của thực phẩm, rau củ quả cũng được ban quản lý các chợ này thực hiện nghiêm túc. Riêng tại chợ truyền thống, theo chỉ đạo của Sở Công thương TPHCM, ban quản lý chợ đã có phương án tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định pháp luật về giá, niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết. Ngoài ra, ban quản lý các chợ truyền thống cũng liên tục vận động tiểu thương tham gia bán hàng bình ổn, đặc biệt là nhóm hàng thiết yếu.

Nhằm bảo đảm ATTP trong dịp Tết Canh Tý và mùa lễ hội 2020, Ban Quản lý ATTP TPHCM đã triển khai công tác kiểm tra ATTP đến 10 đội quản lý ATTP, cao điểm đợt kiểm tra bắt đầu từ nay đến ngày 25-3-2020. Công tác kiểm tra tập trung vào những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán và trong các lễ hội. 

Tin cùng chuyên mục