Quyết không trở thành thùng rác thế giới

Bộ Năng lượng, Khoa học, Công nghệ, Môi trường và Biến đổi khí hậu Malaysia ngày 20-1 cho biết, 150 container, chứa khoảng 3.737m3 rác thải nhựa, đã được quốc gia này trả về hầu hết là các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Canada, Tây Ban Nha và Pháp.

 Phát biểu tại họp báo ở cảng Butterworth ở bang Penang, Bộ trưởng Yeo Bee Yin tuyên bố sẽ tiếp tục trả 110 container chứa rác thải nhựa về nước xuất xứ của nó gồm: 60 container của Mỹ, 15 container của Canada và 14 container của Nhật Bản, cùng những container khác từ Anh, Bỉ, Mexico, Hungary, Pháp và Jamaica. Chính phủ Malaysia không phải chịu bất kỳ chi phí nào trong việc gửi trả các container rác thải nhựa mà những công ty nhập khẩu những container này một cách bất hợp pháp phải chịu toàn bộ chi phí.

Các bước đi quyết liệt trên là quyết tâm nghiêm túc của Chính phủ Malaysia không muốn trở thành thùng rác của thế giới. Là một bên tham gia Công ước Basel, Malaysia cũng áp dụng những quy định nghiêm ngặt theo chương 4 (11) của Công ước Basel. Theo đó, tất cả hoạt động nhập khẩu rác thải nhựa hỗn hợp phải đảm bảo việc vận chuyển rác thải xuyên biên giới được thực hiện theo nguyên tắc bảo vệ sức khỏe con người và môi trường. 

Công ước Basel là thỏa thuận môi trường quốc tế toàn diện nhất về vấn đề rác thải độc hại và các loại rác thải khác. Người dân tại các quốc gia văn minh và giàu có đều tin rằng, khi họ phân loại rác thải thì các công ty thu gom sẽ tiến hành xử lý đúng cách. Nhưng những gì đang diễn ra ở Malaysia và các quốc gia đang phát triển ở Đông Nam Á đã cho thấy hệ thống tái chế rác của các quốc gia phương Tây thực sự như thế nào. Nhựa được trả lại cho Vương quốc Anh bao gồm vật liệu mà trước đó Anh đã đồng ý lấy lại, sau khi Cơ quan Môi trường nhận được yêu cầu chính thức từ chính quyền Malaysia để “hồi hương” các thùng chứa chất thải vận chuyển vào tháng 9-2019. Theo letrecycle.com, nhận xét về thông báo mới nhất của Malaysia, đại diện Cơ quan Môi trường cho biết tiếp tục làm việc với các hãng tàu và Chính phủ Malaysia để đảm bảo tất cả chất thải được đưa trở lại càng sớm càng tốt. Chúng tôi đang nỗ lực để ngăn chặn xuất khẩu chất thải bất hợp pháp rời khỏi bờ biển của chúng tôi ngay từ đầu. Bất cứ ai bị kết tội xuất khẩu chất thải bất hợp pháp đều có thể phải đối mặt với án tù 2 năm và mức phạt không giới hạn.

Từ năm 2018, khu vực Đông Nam Á trở thành điểm đến của những container rác thải nhựa từ các quốc gia phát triển như Mỹ và Anh, sau khi Trung Quốc cấm nhập khẩu mọi loại rác thải thuộc nhóm này do lo ngại các tác động về môi trường. Sau lệnh cấm, các doanh nghiệp tái chế của Trung Quốc đã chuyển sang hoạt động tại Malaysia, kéo theo các container rác thải cũng chuyển hướng về quốc gia này mà không có giấy phép hợp lệ, khiến các cộng đồng dân cư nhỏ tại đây ngập trong rác thải nhựa. Không chỉ Malaysia, chính phủ nhiều quốc gia khác trong khu vực như Indonesia và Philippines cũng đã bắt đầu gửi trả những container rác thải về quốc gia xuất xứ .

Tin cùng chuyên mục