Quyết định cần thiết

Cục Bảo vệ Hiến pháp Đức (BfV) - cơ quan tình báo nội địa của Đức, vừa đưa các thành viên đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) vào diện đối tượng nghi vấn đối với nền dân chủ.

Đây là một đòn mạnh giáng vào AfD trong năm bầu cử Quốc hội và nghị viện bang khi AfD đang là đảng đối lập lớn nhất trong Quốc hội Đức. Quyết định của BfV cho phép các cơ quan tình báo theo dõi đảng, nghe/đọc các thông tin liên lạc cũng như có thể sử dụng đặc vụ ngầm để theo dõi các thành viên của AfD.

Quyết định trên được đưa ra sau cuộc điều tra kéo dài 2 năm, với hơn 1.000 trang dữ liệu về các bằng chứng, trong đó có hàng trăm phát biểu và các tuyên bố của thành viên các cấp của AfD. Các thành viên AfD thường có các phát ngôn gây tranh cãi như kêu gọi Đức ngừng chuộc lỗi về những tội ác gây ra trong cuộc Thế chiến thứ II.

Ngay từ năm ngoái, giới chức Đức đã đặt một nhánh cấp tiến của AfD vào diện nghi vấn do có liên quan tới các tổ chức cực hữu và các đối tượng phát xít mới, vi phạm Hiến pháp Đức. Nhánh này đã bị giải thể, song rất nhiều người trong số 7.000 thành viên của nhánh đang hoạt động tích cực trong AfD.

Chính việc AfD tiếp tục chịu ảnh hưởng của nhánh này, cùng việc có liên kết với nhiều tổ chức cực đoan cánh hữu khác là những lý do khiến AfD bị đặt vào diện bị theo dõi để bảo vệ Hiến pháp Đức. Theo Tổng Thư ký đảng Dân chủ Xã hội (SPD) Lars Klingbeil, việc theo dõi AfD là quyết định “đúng đắn và cần thiết”, đồng thời cho rằng “bộ mặt cực đoan cánh hữu của AfD những năm gần đây càng bị lộ rõ”.

Tổng Thư ký đảng Liên minh Xã hội cơ đốc giáo (CSU) Markus Blume cũng cho rằng các nhân vật cực đoan cánh hữu đã định hình quan điểm ở AfD, do vậy việc xếp đảng này vào diện nghi vấn là hoàn toàn chính xác. Nhiều chính trị gia khác cũng lên tiếng ủng hộ quyết định nêu trên của BfV. Tuy nhiên, AfD đã phản đối quyết định này và tuyên bố sẽ chống lại quyết định của BfV. 

Những cơn sóng ngầm về phong trào cực hữu và phát xít mới luôn chực chờ trỗi dậy trong lòng đất nước từng là nỗi ám ảnh của nhân loại trong Thế chiến thứ II. Hơn ai hết, các nhà lãnh đạo tiến bộ của nước Đức luôn nhìn thấy được nguy cơ này và ra sức ngăn chặn thông qua bản hiến pháp tôn trọng hòa bình và dân chủ cùng nhiều thiết chế khác để đảm bảo rằng nước Đức sẽ không bao giờ để bóng ma quá khứ trở lại.

Tin cùng chuyên mục