Quyền tiếp cận pháp luật

Quốc hội thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 quy định ngày 9-11 hàng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Trên tinh thần đó, các cơ quan, ban ngành đều tích cực triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Trong những năm qua, theo đánh giá chung của Bộ Tư pháp, ngày Pháp luật đã được các bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương, cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương trong toàn hệ thống chính trị tích cực triển khai thực hiện gắn với công tác lãnh đạo, điều hành, quản lý xã hội bằng pháp luật, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Quan trọng hơn, việc thực hiện Ngày Pháp luật đã bắt đầu hướng tới mục tiêu cao hơn, thực chất hơn, đó là làm chuyển biến ý thức tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, phục vụ thiết thực cho công tác chuyên môn, đáp ứng triển khai nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, góp phần quan trọng để nâng cao văn hóa pháp lý cho mỗi cá nhân trong cộng đồng, cũng như của toàn xã hội. Nhờ vậy, Ngày Pháp luật đã dần đi vào đời sống thường ngày của mỗi người, tạo thành sự quan tâm và cũng là yêu cầu ngày càng cao hơn của nhân dân, của xã hội đối với chất lượng xây dựng pháp luật và hiệu quả tổ chức thi hành từ phía Nhà nước. 

Trên phạm vi cả nước nói chung, địa bàn TPHCM nói riêng, mục tiêu phổ biến pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho cá nhân, tổ chức đã có những bước tiến đáng kể, người dân nhận thức rõ hơn quyền lợi cũng như các hành vi vi phạm pháp luật, bên cạnh đó, có sự chủ động, mạnh dạn hơn trong việc tìm đến sự hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức có chức năng để bảo vệ quyền lợi của bản thân, xã hội. 

Tuy nhiên, hiện nay việc tuyên truyên, phổ biến pháp luật vẫn còn một số bất cập, đặc biệt là đối với người nghèo, người dân cư trú tại các địa phương vùng sâu, vùng xa. Mặc dù, hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của đối tượng nêu trên đã từng bước được nâng lên, nhưng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng này vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đạt kết quả như yêu cầu và mong muốn, từ đó dẫn đến thực trạng họ khó chủ động trong việc bảo vệ quyền lợi của mình. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền phổ biến pháp luật trên các phương tiện thông tin, truyền thông còn nhiều khó khăn, dẫn tới khả năng tiếp cận các thông tin pháp luật vẫn còn hạn hẹp.

Do đó, cần có biện pháp đảm bảo mỗi người dân đều có thể dễ dàng tiếp cận pháp luật, đặc biệt là các đối tượng cần sự hỗ trợ lớn từ xã hội như người nghèo, người ở vùng sâu, vùng xa. Các cơ quan, tổ chức cần nỗ lực hơn nữa đến tiến đến thực hiện mục tiêu “ngày nào cũng là Ngày Pháp luật”, hỗ trợ cá nhân, tổ chức tiếp cận, hiểu rõ các quy định của pháp luật, làm chuyển biến ý thức tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, phục vụ thiết thực cho công tác chuyên môn, đáp ứng triển khai nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, góp phần quan trọng để nâng cao văn hóa pháp lý cho mỗi cá nhân trong cộng đồng, cũng như của toàn xã hội.

Tin cùng chuyên mục