Quyền lợi người lao động khi phải tạm thay đổi công việc

Do tác động của dịch Covid-19, một số doanh nghiệp phải điều chuyển nhân viên sang làm việc khác so với công việc đã được thỏa thuận trong hợp đồng lao động. Trong trường hợp này, quyền lợi của người lao động (NLĐ) sẽ được giải quyết như thế nào?

Theo quy định tại khoản 1, Điều 31 Bộ luật Lao động 2012, khi gặp khó khăn đột xuất do dịch bệnh, người sử dụng lao động (NSDLĐ) có quyền tạm thời chuyển NLĐ sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động.

Khi thực hiện quyền này, NSDLĐ phải báo cho NLĐ biết trước ít nhất 3 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khỏe, giới tính của NLĐ. Thời hạn tạm thời chuyển NLĐ làm công việc khác không được vượt quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, trừ trường hợp được sự đồng ý bằng văn bản của NLĐ. 

Trong thời gian thực hiện công việc tạm thời, NLĐ được trả lương theo công việc mới; nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương công việc cũ, thì được giữ nguyên mức tiền lương cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% mức lương công việc cũ, nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Trường hợp NLĐ đã thực hiện công việc tạm thời theo yêu cầu của NSDLĐ hết 60 ngày làm việc và NLĐ không đồng ý tiếp tục thực hiện công việc, mà phải ngừng việc, thì NSDLĐ phải trả lương ngừng việc cho NLĐ. 

Tiền lương ngừng việc là tiền lương ghi trong hợp đồng lao động khi NLĐ phải ngừng việc và được tính tương ứng với các hình thức trả lương theo thời gian quy định tại khoản 1, Điều 22 Nghị định 05/2015/NĐ-CP, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động. Tiền lương được trả cho NLĐ căn cứ thời gian làm việc thực tế theo tháng, tuần, ngày, giờ.

Tin cùng chuyên mục