Quyền lợi người chấp bút

Gần đây, đang diễn ra tranh luận xung quanh vai trò của người chấp bút, thu hút sự quan tâm khá nhiều của dư luận. Điển hình là trường hợp của nhà văn Hữu Mai (1926-2007), người đã dành 30 năm để viết (thể hiện) bộ hồi ký cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 

Theo nhiều tài liệu đã công bố, bắt đầu từ năm 1964, Tổng cục Chính trị chủ trương xuất bản một tập hồi ký của các tướng lĩnh trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhà văn Hữu Mai được chọn giúp Đại tướng Võ Nguyên Giáp thể hiện bằng tập sách Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ.

Sau đó, chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đề nghị nhà văn Hữu Mai chấp bút cho các cuốn hồi ký của mình, bao gồm: Từ nhân dân mà ra (năm 1966), Những năm tháng không thể nào quên (1975), Chiến đấu trong vòng vây (1995), Đường tới Điện Biên Phủ (1999), Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử (2000). 

Tên tuổi của nhà văn Hữu Mai gắn liền với các cuốn hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được ghi nhận trên các tác phẩm cũng như trong tâm thức của nhiều thế hệ độc giả. Tuy nhiên, rắc rối nảy sinh khi nhà văn Hữu Mai qua đời, người thân của gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp không công nhận nhà văn Hữu Mai là đồng tác giả.

Vào tháng 5-2019, NXB Thông tin Truyền thông đã in 2 cuốn sách trong bộ hồi ký là Đường tới Điện Biên Phủ và  Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử cùng một số sách khác. Có điều, vì một sự nhầm lẫn đơn vị này đã không xin phép gia đình nhà văn Hữu Mai, chỉ đơn phương làm việc với gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Sau 1 năm, gia đình nhà văn Hữu Mai tình cờ biết sự việc đã liên hệ với đơn vị này. Người thân nhà văn Hữu Mai là nhà văn Bình Ca cho biết, sau khi biết rõ sự việc, NXB Thông tin Truyền thông đã làm công văn xin lỗi gia đình nhà văn Hữu Mai, đồng thời đề nghị hủy hợp đồng đã ký kết giữa NXB và gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp... 

Cách đây không lâu, trên mạng xã hội xảy ra một chuyện ồn ào liên quan đến cuốn sách Trò chuyện với cõi vô hình. Ban đầu, sách được First News thực hiện và xuất bản vào tháng 5-2017 do NXB Hội Nhà văn cấp phép.

Thời điểm đó, nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà được giới thiệu là người chấp bút, tuy nhiên trên bìa sách không thể hiện điều này mà ở bìa lót chỉ ghi là đồng thực hiện với Nguyễn Giang. Khi cuốn sách trên được Thái Hà Books in lại vào tháng 2 năm nay (cũng do NXB Hội Nhà văn cấp phép), nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà lập tức lên tiếng khi vai trò chấp bút của mình không còn nữa. Sự việc ồn ào này khiến Thái Hà Books phải ra thông báo tạm dừng xuất bản để có thời gian làm rõ vai trò, quyền tác giả liên quan ấn phẩm này. 

Trong quãng 10 năm trở lại đây, thị trường xuất bản trong nước liên tục xuất hiện nhiều cuốn tự truyện, hồi ký của những người nổi tiếng, chính khách, danh nhân, thậm chí cả những người bình thường. Ngoài một số tác phẩm do nhân vật tự viết, phần lớn do người khác chấp bút. Khoản 1, Điều 38 Luật Sở hữu trí tuệ (được sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019) quy định: Các đồng tác giả sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất - kỹ thuật của mình để cùng sáng tạo ra tác phẩm, đều có chung quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm đó.

Như vậy có thể hiểu, người chấp bút cũng chính là tác giả/đồng tác giả. Vậy nên, câu chuyện của nhà văn Hữu Mai và nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà là bài học cho các đơn vị xuất bản lẫn các tác giả trong vấn đề đảm bảo quyền lợi của người chấp bút. Có lẽ, đã đến lúc các bên cần có hợp đồng với những điều khoản chặt chẽ, tránh những tổn thất về sau. 

Có một điều cần nói thêm trong câu chuyện của nhà văn Hữu Mai là, hiện tại, vì đang có bất đồng giữa hai bên nên toàn bộ những cuốn hồi ký về Đại tướng Võ Nguyên Giáp liên quan đến nhà văn Hữu Mai đang bị “treo”. Đây là điều đáng tiếc vì độc giả mất đi cơ hội tiếp cận, khám phá bộ hồi ký được xem như “bộ sử thi về cuộc kháng chiến chống Pháp vĩ đại của dân tộc, là tài liệu cho các thế hệ sau tìm hiểu về một giai đoạn lịch sử của đất nước” như tâm sự của nhà văn Bình Ca.

Tin cùng chuyên mục