Quyền lợi khám chữa bệnh BHYT từ ngày 1-1-2021 ra sao?

Mức hưởng bảo hiểm y tế (BHYT) từ ngày 1-1-2021 ra sao? Từ năm 2021, BHYT sẽ thông tuyến tỉnh, vậy chính sách khám chữa bệnh (KCB) có lợi với người dân như thế nào? 
Quyền lợi khám chữa bệnh BHYT từ ngày 1-1-2021 ra sao?

* Ông PHAN VĂN MẾN, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM: Từ ngày 1-1-2021, người dân sẽ được hưởng chính sách thông tuyến BHYT tại tuyến tỉnh mà không phụ thuộc vào nơi đăng ký KCB ban đầu. Như vậy, khi thực hiện chính sách thông tuyến, người có thẻ BHYT nói chung, người có công với cách mạng nói riêng khi KCB sẽ không cần giấy chuyển tuyến trong phạm vi tuyến tỉnh, huyện, xã.

Về cơ bản, mức hưởng BHYT năm 2021 không thay đổi. Cụ thể, người dân KCB đúng tuyến thì được hưởng 100% tổng chi phí KCB nếu khám tại tuyến xã; hoặc chi phí KCB thấp hơn 15% mức lương cơ sở; hoặc có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (trừ trường hợp tự đi KCB không đúng tuyến). Trong các trường hợp khác, người dân được quỹ BHYT thanh toán 80% chi phí KCB. 

Khi khám bệnh không đúng tuyến, nếu khám ngoại trú tại bệnh viện tuyến huyện, người dân được hưởng 100% chi phí KCB; nếu KCB nội trú thì mức hưởng lần lượt là 100% tại bệnh viện tuyến huyện, 60% tại bệnh viện tuyến tỉnh và 40% tại bệnh viện tuyến Trung ương.

Khi KCB không đúng quy định (người dân không xuất trình đầy đủ thủ tục tại nơi đăng ký KCB ban đầu), thì được cơ quan Bảo hiểm xã hội thanh toán trực tiếp chi phí KCB BHYT nhưng tối đa không quá 0,15 lần mức lương cơ sở nếu KCB ngoại trú, không quá 0,5 lần mức lương cơ sở với KCB nội trú. Trong trường hợp cấp cứu, người bệnh được KCB tại bất kỳ cơ sở nào và cần xuất trình các giấy tờ theo quy định trước khi ra viện.

Tin cùng chuyên mục