Quyền được thông tin

Những ngày qua, TPHCM và Hà Nội liên tục được cảnh báo về tình trạng ô nhiễm không khí. Người dân tỏ ra hoang mang, lo lắng khi mà mỗi ngày chỉ bằng mắt thường, bằng hít thở cũng có thể cảm nhận rằng không khí đang ô nhiễm. 
Người dân tỏ ra hoang mang, lo lắng khi mà mỗi ngày chỉ bằng mắt thường, bằng hít thở cũng có thể cảm nhận rằng không khí đang ô nhiễm
Người dân tỏ ra hoang mang, lo lắng khi mà mỗi ngày chỉ bằng mắt thường, bằng hít thở cũng có thể cảm nhận rằng không khí đang ô nhiễm

Nhiều người đặt câu hỏi: Ô nhiễm ở thành phố đang ở ngưỡng nào? Để có được những thông tin chính xác về không khí hàng ngày, cần phải tham khảo ở đâu? Khói bụi bắt nguồn từ đâu và có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe?... 

Và rồi, cũng chính người dân phải tự trả lời cho mình bằng việc tìm kiếm thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, từ trên các trang mạng, trang báo và các phần mềm đo mức độ không khí... Còn về phía cơ quan chức năng, chỉ đến khi mức độ ô nhiễm đã vượt mức cho phép trong một thời gian dài thì Sở Y tế TPHCM (cụ thể là Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe TPHCM) mới có một vài dòng thông tin cảnh báo, còn Sở TN-MT hay Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM thì... im bặt!

 Tại các thành phố lớn đang đối diện với nạn ô nhiễm không khí nghiêm trọng, cùng với tình trạng các loại phương tiện cơ giới có tốc độ gia tăng đến chóng mặt thì các nhà máy, khu công nghiệp cũng mọc lên ngày càng nhiều… Chỉ riêng tại TPHCM, với hơn 8 triệu xe gắn máy và gần 800.000 ô tô các loại thì lượng khói, bụi thải ra mỗi ngày là rất lớn. Cùng với đó, tại các khu vực quận, huyện ngoại thành, nhà máy xí nghiệp, cơ sở sản xuất hoạt động suốt ngày đêm cũng là tác nhân gây nên nạn ô nhiễm không khí và ô nhiễm tiếng ồn. Mặc dù theo kết quả quan trắc trong 10 năm qua tại nhiều khu vực ở TPHCM, chỉ số chất lượng không khí luôn vượt mức quy chuẩn, nhưng những lời cảnh báo để mọi người có ý thức giữ gìn sức khỏe cho bản thân và cộng đồng thì lại rất hạn chế. Ô nhiễm môi trường cứ vẫn diễn tiến và cơ quan chức năng thì chưa có dấu hiệu lên tiếng, nên buộc người dân phải đi tìm thông tin từ các nguồn khác nhau để kiểm nghiệm. Cũng do không có thông tin chính thống nên báo chí khi tìm đến các chuyên gia, các nhóm nghiên cứu độc lập, thì mỗi nơi đưa ra một nhận định khác nhau. 

Trước thực trạng ô nhiễm không khí đang trở thành nỗi ám ảnh của người dân và toàn cầu, mỗi quốc gia sẽ xử lý vấn đề theo cách riêng đi cùng với những giải pháp phù hợp. Nhưng điều quan trọng nhất là không được bàng quan, thiếu trách nhiệm trước những vấn đề cấp thiết cần giải quyết, cũng như không lảng tránh trước nhu cầu cần được thông tin của người dân.

Tin cùng chuyên mục