Quyền được hát ở Afghanistan

Chính phủ Afghanistan vừa đảo ngược lệnh cấm nữ sinh trên 12 tuổi hát ở nơi công cộng tại các buổi lễ chính thức của chính quyền Kabul. Thắng lợi này đạt được sau những phản ứng dữ dội ngày càng dâng cao ở nhiều tầng lớp, trong đó nổi bật là chiến dịch truyền thông xã hội do các phụ nữ và bé gái Afghanistan phát động.
Trẻ em gái Afghnistan vừa giành lại quyền được hát
Trẻ em gái Afghnistan vừa giành lại quyền được hát

Lệnh cấm được quan chức giáo dục của Taliban ban hành vào tuần qua. Thế nhưng chỉ trong mấy ngày, hàng chục video các bài hát yêu thích do phụ nữ và bé gái Afghanistan thực hiện với những dòng hashtag #IAmMySong đã được tải lên các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter và một số nền tảng truyền thông xã hội khác. Trong một tuyên bố vào tối 13-3, Bộ Giáo dục liên bang Afghanistan cho biết, lệnh cấm “không phản ánh các quan điểm hoặc chính sách của bộ” và vấn đề đang được điều tra. Tuyên bố của Bộ Giáo dục khẳng định ủng hộ sự tham gia của tất cả học sinh vào các hoạt động xã hội, bao gồm cả các nhóm hát, và “tự hào về sự tham gia của họ”. Waheed Omar, Cố vấn truyền thông cấp cao của Tổng thống Ashraf Ghani, tuyên bố trên truyền thông: “Không có cá nhân hoặc tổ chức nào được phép đặt ra giới hạn đối với công dân của đất nước này trái với tinh thần hiến pháp của đất nước này”.

“Lật đổ lệnh cấm là một thắng lợi nhỏ đối với chúng tôi”, Fariha Easar, một nhà hoạt động nữ 32 tuổi, một trong những người dẫn đầu chiến dịch #IAmMySong, chia sẻ. Phong trào #IAmMySong diễn ra trong bối cảnh cuộc đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban nhằm tìm giải pháp chính trị chấm dứt hàng thập niên xung đột đẫm máu đã lâm vào bế tắc, khi mà ngày 1-5 là hạn chót để các lực lượng nước ngoài rút khỏi Afghanistan. Mặc dù các cuộc đàm phán hòa bình đang được tiến hành tại thủ đô Doha của Qatar luôn kêu gọi công khai rằng phụ nữ phải được tính đến trong mỗi giai đoạn của các cuộc đàm phán hòa bình giữa Taliban và Chính phủ Afghanistan, nhưng thực tế các bên chưa hề chính thức thảo luận về những vấn đề này. Ngày 12-3, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã kêu gọi sự tham gia đầy đủ, bình đẳng và ý nghĩa của phụ nữ vào tiến trình hòa bình tại Afghanistan.

Các quan chức Chính phủ Afghanistan đang cố gắng loại bỏ các chính sách bảo thủ trước khi Taliban được chia sẻ quyền lực chính thức ở Afghanistan. Tuy nhiên, nhiều nhà hoạt động lo ngại rằng nếu một chính phủ lâm thời chia sẻ quyền lực, theo đề xuất của Mỹ, được thành lập vội vã, những lợi ích đạt được trong 20 năm qua trong các lĩnh vực như quyền tự do dân sự và quyền của phụ nữ có thể lại bị “xóa sổ”. Các nhà hoạt động khác lo ngại công việc của họ sẽ trở nên khó khăn và nguy hiểm hơn trong những tháng tới khi mới đây có 3 nữ nhân viên truyền thông đã thiệt mạng trên đường đi làm về ở miền Đông Afghanistan. Trước đó hồi tháng 1, các tay súng đã giết 2 nữ thẩm phán Tòa án tối cao ở Kabul.

Tin cùng chuyên mục