Quyền của người dân bị ảnh hưởng vì… luật, pháp lệnh “treo”

Ngày 11-9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nghe các báo cáo và thảo luận nội dung sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 (năm 2014-2019). Chiều cùng ngày, cơ quan thường trực của Quốc hội nghe và thảo luận các báo cáo về giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2019.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VIẾT CHUNG
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VIẾT CHUNG

Còn “nợ” 21 dự án luật, pháp lệnh

Về sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, cơ quan thẩm tra đánh giá cao Chính phủ và các cơ quan đã rất nghiêm túc, trách nhiệm. Trong khoảng thời gian ngắn nhưng đã nỗ lực chuẩn bị báo cáo có chất lượng, đúng tiến độ theo yêu cầu; phản ánh cơ bản đầy đủ tình hình thi hành Hiến pháp trong 5 năm qua của các cơ quan, tổ chức theo yêu cầu.

Trong số các nội dung cụ thể, Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, mặc dù các cơ quan, tổ chức đã rất nỗ lực trong hoạt động rà soát văn bản, bảo đảm tuân thủ đúng yêu cầu nghị quyết của Quốc hội trong việc rà soát toàn diện, đồng bộ các văn bản pháp luật, tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, hoạt động xử lý sau rà soát văn bản quy phạm pháp luật còn chậm. Ủy ban đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể hơn về nguyên nhân của tình trạng này, đánh giá tác động của việc chậm xử lý văn bản cũng như trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, người có liên quan.

Theo cơ quan thẩm tra, tính từ tháng 1-2014 đến nay, Quốc hội, UBTVQH đã thông qua 111 luật, bộ luật, pháp lệnh, trong đó có 69 bộ luật, luật, pháp lệnh thuộc danh mục ban hành kèm theo Nghị quyết số 718 (về kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp), chiếm tỷ lệ 62,16% tổng số luật, bộ luật, pháp lệnh được thông qua. Tính đến ngày 14-6, còn 21 dự án luật, pháp lệnh trong kế hoạch chưa được ban hành. Trong số các bộ luật, luật, pháp lệnh đã ban hành, có những luật chậm ban hành so với tiến độ đề ra 2 năm như: Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Luật Đo đạc và bản đồ, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao…

Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển bày tỏ quan ngại: “Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV sắp kết thúc, tức là sau 7 năm Hiến pháp được ban hành mà vẫn còn 21 dự án luật, pháp lệnh trong kế hoạch chưa được ban hành, liệu có làm kịp không?”. Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc lưu ý, Chính phủ vẫn chưa trình các dự án luật về biểu tình, lập hội; làm hạn chế các quyền hiến định của người dân về vấn đề này.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga thẳng thắn nhận xét, khâu vướng nhất hiện nay trong lĩnh vực tư pháp là rất thiếu kinh phí cho việc tổ chức triển khai các quyền nhân thân đã được hiến định. “Tại phiên họp toàn thể của ủy ban chúng tôi mới đây, Bộ Công an báo cáo là không có tiền xây phòng, mua trang thiết bị phục vụ việc ghi âm, ghi hình suốt quá trình hỏi cung bị can. Bộ cũng đang “nợ” các cơ sở giám định tư pháp những khoản tiền lớn là chi phí giám định phục vụ các dự án trọng điểm”, bà Lê Thị Nga nhấn mạnh.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nêu ví dụ hàng loạt địa phương ban hành văn bản yêu cầu không được ghi âm, ghi hình cuộc tiếp công dân nếu không được phép của người tiếp dân và băn khoăn: “Bộ Tư pháp trả lời đây không phải văn bản pháp quy, nên không có ý kiến. Như thế thì quy định này có hạn chế quyền của công dân không, vấn đề chưa ngã ngũ; hay khám chữa bệnh vào thứ bảy, chủ nhật cũng là một kiến nghị có “thâm niên”. Kỳ nào Ban Dân nguyện cũng nhận được, cũng chưa được giải quyết, trong khi đây cũng là một quyền cơ bản của công dân”. 

Tỷ lệ khiếu nại, tố cáo: đúng giảm, sai tăng

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2019, các cơ quan hành chính tiếp nhận 299.544 đơn thư các loại (bao gồm đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh), trong đó có 194.469 đơn đủ điều kiện xử lý. So với năm 2018, số đơn thư các loại tiếp nhận giảm 7%; đơn khiếu nại giảm 5,5%, đơn tố cáo giảm 11,3%, số vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền giảm 6,8%; số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền tăng 6,6%. Năm 2019, các cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết 27.130 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 85,4% (khiếu nại 20.023 vụ việc, đạt 85,7%; tố cáo 7.107 vụ việc, đạt 84,6%).

Các cơ quan đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho tập thể, cá nhân 205,5 tỷ đồng, 24,1ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 1.889 tập thể, cá nhân; kiến nghị xử lý vi phạm 597 người (đã xử lý 388 người), chuyển cơ quan điều tra 20 vụ, 26 đối tượng. Phân tích từ kết quả giải quyết 17.389 vụ việc khiếu nại cho thấy: có 1.508 khiếu nại đúng (8,7%, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm 2018); 13.832 khiếu nại sai (79,5%, tăng 7%); 2.049 khiếu nại có đúng, có sai (11,8%, giảm 3,2%).

Về giải quyết tố cáo, các bộ, ngành trung ương đã giải quyết đạt tỷ lệ 87,9%; các địa phương đã giải quyết đạt tỷ lệ 81,4%. Phân tích kết quả giải quyết 7.086 vụ việc tố cáo cho thấy: có 819 tố cáo đúng (11,6% giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2018); 5.176 tố cáo sai (73,0% tăng 6,9%); 1.091 tố cáo có đúng, có sai (15,4% giảm 6,1%).

Cùng ngày, UBTVQH đã bàn và quyết định việc thành lập 4 phường thuộc thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh; việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thành lập các phường và thị xã Kinh Môn (tỉnh Hải Dương); việc thành lập thị xã Sa Pa và các phường trực thuộc trên cơ sở sắp xếp, sáp nhập và điều chỉnh các đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai).

Tin cùng chuyên mục