Quy hoạch vùng ĐBSCL: Ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông

Ngày 3-11, Hội đồng Điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2025 đã tổ chức hội nghị trực tuyến dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành- Chủ tịch Hội đồng, nhằm lấy ý kiến hoàn thiện quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 - đồ án quy hoạch đầu tiên trong số 6 quy hoạch vùng của cả nước. 
Tuyến đường cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi góp phần thúc đẩy phát triển vùng ĐBSCL. Ảnh: HUỲNH LỢI
Tuyến đường cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi góp phần thúc đẩy phát triển vùng ĐBSCL. Ảnh: HUỲNH LỢI

Năm 2025: có 300km đường cao tốc

 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP năm 2017 về phát triển bền vững vùng ĐSBCL thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó đặt ra nhiệm vụ xây dựng quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo phương pháp tích hợp, đa ngành. Đồng thời cũng giao các cơ quan của Chính phủ huy động nguồn lực tăng thêm cho vùng ĐBSCL 2 tỷ USD để thực hiện các công trình trọng điểm, liên vùng, có sức lan tỏa cao để thực hiện được quy hoạch vùng ĐBSCL đã đề ra và nhằm mục tiêu tạo động lực tăng trưởng mới cho vùng. Theo dự thảo quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, giai đoạn 2021-2030 phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt mức trung bình cả nước khoảng 7%/năm. Đến năm 2030, tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp trong GDP khoảng 20%; công nghiệp, xây dựng đạt khoảng 32%; dịch vụ là 46%. Kinh tế nông nghiệp tập trung phát triển theo hướng kinh tế sinh học toàn diện với ba trọng tâm: thủy sản - cây ăn quả - lúa.

"Tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, nền tảng, đặc sắc của vùng ĐBSCL. Phải tập trung quản lý tổng hợp tài nguyên nước dựa trên đánh giá tác động và khả năng đáp ứng của nguồn nước; đưa ra được các giải pháp khả thi nhằm tăng cường quản lý và sử dụng tiết kiệm hiệu quả các nguồn nước ngọt; sử dụng hợp lý các nguồn nước lợ, nước mặn để phát triển kinh tế"- Phó Thủ tướng Lê Văn Thành 

Tại hội nghị, giải đáp ý kiến các địa phương về vấn đề giao thông, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, sẽ ưu tiên đặc biệt cho một số nhóm dự án như cao tốc TPHCM đến Cà Mau; cao tốc An Hữu - thành phố Cao Lãnh - cầu Vàm Cống - Rạch Giá; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - cảng Trần Đề... Nếu làm tốt, đến năm 2025, chúng ta sẽ có 300km đường cao tốc trong vùng. Bên cạnh đó là triển khai 7 tuyến quốc lộ. Về hàng hải, Bộ GTVT ủng hộ phát triển mạnh cảng quốc tế Long An; ủng hộ Trà Vinh xây dựng cảng tổng hợp Trà Vinh duyên hải; ủng hộ Cà Mau kêu gọi nhà đầu tư vào cảng Cầu Vai; riêng cảng Trần Đề của Sóc Trăng cũng đang xúc tiến đầu tư... Về hàng không, sẽ nâng cấp cảng hàng không Cần Thơ, mở rộng sân bay quốc tế Phú Quốc. 

Bộ NN-PTNT cho biết đang cùng các tỉnh xây dựng vùng nguyên liệu chủ lực lớn, đạt chất lượng để phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu như vùng trồng lúa chất lượng cao, nuôi trồng thủy sản… Bộ NN-PTNT đã có nhiều dự án nạo vét, mở kênh lớn để trữ nước ngọt, trong đó có dự án cải tạo kênh, trục chính dẫn nước ngọt từ sông Hậu đến bán đảo Cà Mau.

Huy động, bố trí thêm nguồn vốn

Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực nhưng tốc độ phát triển của vùng ĐBSCL chưa tương xứng, chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế của vùng. Do đó, quy hoạch vùng ĐBSCL là công cụ quan trọng hàng đầu để định hướng đầu tư phát triển nhanh và bền vững. Quy hoạch vùng ĐBSCL đề cập đến nhiều lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, bao gồm vùng sản xuất, hạ tầng giao thông, hệ thống ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống xâm nhập mặn, hệ thống tưới tiêu… Ngoài khoản vay 2 tỷ USD, Chính phủ dự kiến huy động, bố trí thêm nguồn vốn cho một số công trình trong vùng, đặc biệt là một số tuyến giao thông. 

Phó Thủ tướng cho rằng, phải dành ưu tiên số một cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, giúp tăng cường liên kết vùng, phát huy vai trò, thế mạnh của vùng. Hiện nay 4 quy hoạch quốc gia của ngành giao thông vận tải (gồm quy hoạch đường bộ, đường sắt, cảng biển, đường thủy) đã được ban hành, còn quy hoạch hàng không đang trong quá trình phê duyệt. Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục cập nhật các quy hoạch ngành quốc gia này vào quy hoạch vùng ĐBSCL. Sau khi có quy hoạch, các địa phương chủ động lên kế hoạch, phân kỳ đầu tư, huy động nguồn lực từ doanh nghiệp tham gia đầu tư các dự án. Các địa phương vùng ĐBSCL cần tập trung huy động nguồn vốn xã hội hóa cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Song song đó, cần chú trọng sâu phát triển không gian biển gắn với phát triển kinh tế biển, trước mắt là hệ thống hạ tầng đường ven biển, cảng biển, hệ thống logistics nhằm khai thác tiềm năng các vùng đất ven biển khi 13 tỉnh ĐBSCL có tới 7 tỉnh ven biển...

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ KH-ĐT sớm hoàn thiện các báo cáo, tài liệu để trình hội đồng thẩm định xem xét, tổ chức thẩm định trong tháng 11, phê duyệt trong tháng 12.

Tin cùng chuyên mục