Quy định rõ việc “xin ý kiến” khi ban hành kết luận thanh tra

"Đề nghị đoàn thanh tra, cơ quan thanh tra, chánh thanh tra không cứ tự nhiên xin ý kiến. Đó là biểu hiện của việc sợ trách nhiệm, đùn đẩy công việc. Như vậy chính là trái pháp luật, trong khi điều 9 đã quy định cấm can thiệp trái pháp luật", Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nói rõ.
Chiều 17-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Các ủy viên UBTVQH bày tỏ băn khoăn về tính độc lập của thanh tra với thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước.

Phát biểu về vấn đề này, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong thẳng thắn thừa nhận: "Tính độc lập về chuyên môn như kiểm toán thì công tác thanh tra chưa bảo đảm".

Quy định rõ việc “xin ý kiến” khi ban hành kết luận thanh tra ảnh 1 Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong

Từng có thời gian công tác tại địa phương, làm Chủ tịch UBND tỉnh, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong cho biết, chủ tịch tỉnh chủ yếu chỉ duyệt kế hoạch, định hướng thanh tra; còn lại chỉ nghe báo cáo 6 tháng và báo cáo cuối năm. Thường các cuộc thanh tra mang tính phức tạp, chánh thanh tra báo cáo miệng để xin ý kiến, không bằng văn bản.

Đáng lưu ý, theo Tổng Thanh tra, "không biết từ lúc nào, tất cả các cuộc thanh tra, Thanh tra Chính phủ đều phải báo cáo xin ý kiến Thủ tướng, nhưng thực chất Thủ tướng cũng không có thời gian xem. Chủ yếu là Phó Thủ tướng xem, sau đó lại xin ý kiến các bộ, ngành mà các bộ, ngành hiện nay có ý kiến thì rất chung chung. Vì vậy, nhiều ý kiến nhưng không mấy hiệu quả. Thanh tra kiến nghị về trách nhiệm các bộ, ngành thì thường né lại".

Tuy nhiên, ông Đoàn Hồng Phong cũng nhận định, tính độc lập về chuyên môn không cao là việc thuộc về khâu tổ chức thực hiện chứ không phải do quy định của luật.

Vẫn theo Tổng thanh tra Chính phủ, vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có ý kiến, kiến nghị về việc này. Có vấn đề tồn đọng rất nhiều năm của Thanh  tra Chính phủ là tồn đọng kết luận, có những vụ việc 5-6 năm chưa kết luận được, mất hết tính thời sự.

Đề cập hướng sửa đổi luật, ông Phong nói, Điều 74 của dự thảo đã quy định trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra ký ban hành kết luận thanh tra và chịu trách nhiệm về kết luận, kiến nghị của mình. Vướng mắc là ở chỗ vẫn có nội dung cần xin ý kiến.

Quy định rõ việc “xin ý kiến” khi ban hành kết luận thanh tra ảnh 2 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận

"Trước đây chỉ ghi chung chung, nói thật là khi thanh tra trình lên, Phó Thủ tướng chủ trì cuối cùng chỉ chốt một câu thanh tra phải rà soát và chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật”, ông Phong giãi bày.

Năm nay, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giao cho Thanh tra Chính phủ 3 việc: thanh tra về phòng chống Covid-19; phát hành trái phiếu doanh nghiệp và sử dụng trái phiếu doanh nghiệp; quy hoạch và quản lý sử dụng quy hoạch xây dựng. Thủ tướng cũng giao một việc cho Thanh tra Chính phủ.

“Đề nghị ghi rõ vào luật là những việc được Ban Chỉ đạo, Thủ tướng giao và những vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh thì phải báo cáo Thủ tướng hoặc Chính phủ”, người đứng đầu Thanh tra Chính phủ kiến nghị.

Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị xác định rõ hơn thẩm quyền cơ quan thanh tra, đoàn thanh tra, các cơ quan thanh tra; xác định cụ thể việc gì xin ý kiến, việc gì cơ quan quản lý nhà nước cấp trên có quyền chỉ đạo điều hành theo thẩm quyền của mình; làm rõ tính độc lập của đoàn thanh tra, cơ quan thanh tra.

"Đề nghị đoàn thanh tra, cơ quan thanh tra, chánh thanh tra không cứ tự nhiên xin ý kiến. Đó là biểu hiện của việc sợ trách nhiệm, đùn đẩy công việc. Như vậy chính là trái pháp luật, trong khi Điều 9 đã quy định cấm can thiệp trái pháp luật", Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nói rõ.

Tin cùng chuyên mục