Quy định rõ cơ chế thu hút để chọn được người đứng đầu có năng lực

Góp ý tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng TP cần phải xem xét lại chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của TP (8,5%) sẽ khó đạt được trong tình hình hiện nay, nhất là hậu quả của dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài; đồng thời cần có đề án phát triển doanh nghiệp lớn, từ đó tạo động lực để những doanh nghiệp nhỏ phát triển.

Ngày 14-7, Thành ủy TPHCM đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến các đại biểu báo chí - xuất bản TP góp ý dự thảo các Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng và dự thảo (lần 2) Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025.

Các đồng chí: Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Trần Trọng Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo TP chủ trì hội nghị.

Quy định rõ cơ chế thu hút để chọn được người đứng đầu có năng lực ảnh 1 Các đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM và Trần Trọng Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo TP chủ trì hội nghị. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Tại hội nghị, đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê trình bày khái lược kết quả mà TPHCM đã đạt được trong nhiệm kỳ 2015-2020 như kinh tế tăng trưởng khá và ổn định; tổng sản phẩm trong nước tăng bình quân đạt 8,3%/năm; chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện, giữ vững vị trí đầu tàu của cả nước.

Theo đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, ngoài 12/14 chỉ tiêu TP đã đạt và vượt thì còn 2 chỉ tiêu mà nhiệm kỳ 2015-2020 của TP chưa đạt. Trong đó, chỉ tiêu GRDP cao nhưng so với tiềm lực của TP thì chưa đạt được như mong muốn; năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chỉ số cải cách hành chính còn thấp. Đồng chí cũng cho rằng, dù lấy mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ, lấy cuộc sống của người dân làm phương châm hành động, nhưng còn một vài nơi, nhiệm vụ này chưa được thực hiện đồng bộ.

Quy định rõ cơ chế thu hút để chọn được người đứng đầu có năng lực ảnh 2 Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê phát biểu tại hội nghị. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM cũng chỉ ra những thách thức của TP trong thời gian tới.

Theo đồng chí, dân số TP tăng nhanh (tăng hơn 1 triệu người sau 5 năm) sẽ làm phát sinh các vấn đề về nhà ở, dịch vụ y tế, giao thông, rác thải, dịch vụ hành chính công. Trong khi đó, quỹ đất của TP ít, đất dành cho hạ tầng giao thông, công nghiệp và dịch vụ chưa sử dụng hiệu quả. TP có tốc độ đô thị hóa nhanh, cùng với việc khai thác nước ngầm, biến đổi khí hậu dẫn đến nguy cơ ngập lụt không ngừng gia tăng.

Cùng với đó, các nguồn lực có sẵn của TP như sự sáng tạo của người lao động, tiềm lực của khoa học công nghệ, nguồn vốn… chưa được khai thác hết. Cơ chế tài chính của TP còn nhiều điều bất hợp lý, nhất là tỷ lệ điều tiết cho ngân sách TP chỉ 18%, không thể đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của TP…

Quy định rõ cơ chế thu hút để chọn được người đứng đầu có năng lực ảnh 3 Quang cảnh hội nghị. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Góp ý tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng TP cần phải xem xét lại chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của TP (8,5%) sẽ khó đạt được trong tình hình hiện nay, nhất là hậu quả của dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài; đồng thời cần có đề án phát triển doanh nghiệp lớn, từ đó tạo động lực để những doanh nghiệp nhỏ phát triển.

Cùng với đó, TP cần có giải pháp để đón luồng dịch chuyển FPI (nguồn đầu tư gián tiếp nước ngoài) vào nước ta và có quy định rõ ràng về nguồn thu từ các doanh nghiệp xuyên biên giới (như Facebook, Google…), cũng như nên đưa ngành công nghiệp y tế thành ngành trọng yếu của TP.

Ngoài quy định về vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, các đại biểu góp ý, dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI cũng cần quy định rõ cơ chế thu hút để chọn được người đứng đầu có năng lực từ cơ sở; đồng thời tăng cường trang bị kiến thức pháp luật cho cán bộ; cải cách hành chính trong Đảng, bồi dưỡng nhận thức tư tưởng của đảng viên và có chính sách khuyến khích phát triển cơ sở Đảng trong doanh nghiệp tư nhân. Cùng với đó, dự thảo Văn kiện cần có thêm nghị quyết cụ thể về việc làm và nhà ở cho người dân.

Về mục tiêu chuyển đổi từ huyện lên quận, các đại biểu đề nghị cần thực hiện sớm mục tiêu này. Đặc biệt, nhiều ý kiến góp ý dự thảo Văn kiện cần quan tâm đến xây dựng thế trận lòng dân để đảm bảo an ninh quốc phòng.

Phát biểu kết thúc hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê cho biết đã tiếp nhận được 18 ý kiến của các đại biểu báo chí - xuất bản. Đồng chí đánh giá đây là tư liệu rất cần thiết mà Ban Biên soạn Văn kiện Đại hội tiếp thu và hệ thống hóa các vấn đề nhằm hoàn thiện hơn nữa dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM cũng cho rằng nội dung về an ninh quốc phòng trong dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI chưa phản ánh đúng tầm và thế của TP, đồng thời khẳng định Ban Biên soạn sẽ tiếp thu và viết lại nội dung này.

Tin cùng chuyên mục