Quy định pháp luật phải chống cơ chế “xin - cho”

Ngày 24-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8. 
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo phiên họp. Ảnh: VIẾT CHUNG
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo phiên họp. Ảnh: VIẾT CHUNG

Tại phiên họp, Chính phủ thảo luận về 4 dự án luật quan trọng trước khi trình, phục vụ kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV là: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và Luật Giá (sửa đổi). 

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, được xác định rất rõ tại các đại hội Đảng toàn quốc gần đây. Chính phủ tiếp tục khẳng định công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, thường xuyên; xác định đầu tư xây dựng thể chế là đầu tư cho phát triển, yêu cầu bộ trưởng, thành viên Chính phủ phải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng và tổ chức thực thi pháp luật. 

Thủ tướng nhấn mạnh, việc xây dựng các luật cần bám sát và thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; đảm bảo tăng cường quản lý nhà nước; vừa tháo gỡ vướng mắc mà thực tiễn đặt ra đồng thời đáp ứng mong mỏi của người dân, doanh nghiệp. Các luật phải tôn trọng quy luật thị trường, song cũng cần có công cụ để Nhà nước can thiệp kịp thời, hiệu quả khi cần thiết, đảm bảo an sinh xã hội. Việc xây dựng và hoàn thiện các dự thảo luật phải trên tinh thần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải phóng tối đa nguồn lực phục vụ phát triển; giảm thủ tục hành chính, tăng cường chuyển đổi số... Không để khoảng trống pháp lý khi thực hiện các nội dung chuyển đổi; các quy định của luật phải dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ giám sát, kiểm tra; chống cơ chế “xin - cho”, góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí…

Thủ tướng khẳng định, việc sửa đổi Luật Đất đai là quan trọng, có tác động mọi mặt đến chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước và đời sống nhân dân. Nhiều vấn đề có tác động lớn, phức tạp, nhạy cảm, cần phải đánh giá tác động, tổng kết, cụ thể hóa chính sách bảo đảm đồng bộ, khả thi, hiệu quả. Với trên 30 luật có liên quan trực tiếp, việc sửa Luật Đất đai phải đảm bảo tính hệ thống, tính đồng bộ, tính toàn diện; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp phân quyền cho chính quyền địa phương các cấp, nhưng cũng phải thiết kế được công cụ để giám sát, kiểm tra, phát hiện kịp thời các sai phạm để uốn nắn. Cần tập trung ứng dụng chuyển đổi số để giảm tiếp xúc trực tiếp, đỡ mất thời gian, đỡ thủ tục hành chính và đỡ tiêu cực, nhất là tham nhũng vặt liên quan đến đất đai, nhà cửa…

Về Luật Đấu thầu, liên quan đến vướng mắc về mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế và sách giáo khoa, trang thiết bị giáo dục thời gian qua, Thủ tướng tiếp tục yêu cầu Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT và các bộ ngành, địa phương liên quan khẩn trương phối hợp, tích cực tháo gỡ, tham mưu, giải quyết những việc đang ách tắc, bảo đảm tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả, qua đó phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân và việc khai giảng năm học mới.

Tin cùng chuyên mục