Quy định cụ thể hơn về định giá tài sản trong tố tụng hình sự

Trong Bộ luật Hình sự có rất nhiều tội danh quy định yếu tố giá trị tài sản bị xâm phạm là một trong những dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Đặc biệt là đối với các tội xâm phạm sở hữu.
 Vì vậy, việc xác định giá trị tài sản bị xâm phạm có ý nghĩa quan trọng và mang tính bắt buộc để xác định hành vi xâm phạm về tài sản có phải là tội phạm hay không. Bên cạnh đó, việc định giá tài sản còn là căn cứ để xác định khung hình phạt; đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội khi lượng hình và xác định mức bồi thường cho người bị thiệt hại. Việc xác định đúng giá trị tài sản bị chiếm đoạt có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định trường hợp nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp nào chưa đến mức bị xử lý hình sự, nhằm không bỏ lọt người phạm tội, không làm oan người vô tội. 
Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) năm 2015 quy định về “định giá tài sản trong tố tụng hình sự” là một chế định rất quan trọng trong việc giải quyết vụ án hình sự nói chung. Những sửa đổi, bổ sung của Bộ luật TTHS năm 2015 đã khắc phục được hạn chế, thiếu sót trong các quy định về chứng cứ (từ thực tiễn thi hành của Bộ luật TTHS năm 2003). Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo nghị định thay thế Nghị định 26/2005 về định giá tài sản trong TTHS, nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập của Nghị định 26 và phù hợp với Bộ luật TTHS năm 2015. Tuy nhiên, dự thảo nghị định sửa đổi bổ sung nói trên có những điểm chưa rõ ràng để đáp ứng được yêu cầu giải quyết các vụ án hình sự:
Cụ thể, dự thảo chưa đề cập việc định giá tài sản hình thành trong tương lai (thí dụ hoa màu gần tới thời gian thu hoạch). Đối với tội chiếm giữ trái phép tài sản và tội sử dụng trái phép tài sản là “di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử”, việc định giá các loại tài sản này vô cùng phức tạp và khó khăn, đòi hỏi cơ quan, người thẩm định phải có kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm nhất định. Ngày 5-7-2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư 02 quy định về tiêu chuẩn chuyên gia giám định cổ vật, tuy nhiên thông tư này không đề cập đến vấn đề định giá cổ vật trong TTHS và các vấn đề khác có liên quan. Trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định về cổ vật, thì tổ chức, cá nhân giám định cổ vật sẽ rất lúng túng khi xử lý việc giám định cổ vật theo yêu cầu. 
Việc định giá tài sản là tác phẩm cây cảnh (bonsai) là một vấn đề gây ra nhiều tranh cãi, vì quan điểm thẩm mỹ và mức độ cảm thụ của mỗi người khác nhau. Tiêu chuẩn về cái đẹp là vô cùng, vô tận và mang đậm chất cảm tính. Vấn đề xác định giá trị tài sản là cây cảnh rất phức tạp nhưng rất ít có văn bản đề cập.
Hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ đối với các trường hợp nêu trên, nên khi áp dụng kết quả định giá để giải quyết trong vụ án hình sự sẽ rất khó khăn. Như vậy, với tang vật của vụ án hình sự là loại tài sản không mua bán trên thị trường, cũng không phải là loại tài sản do Nhà nước định giá (như cổ vật, tác phẩm bonsai, tài sản hình thành trong tương lai) thì rất khó xác định được giá trị tài sản bị xâm hại, nếu xác định được cũng không bảo đảm cơ sở pháp lý. Từ đó, việc xử lý của các cơ quan tố tụng không bảo đảm tính chính xác, gây ra tình trạng khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, mà nguyên nhân chính do quy định của pháp luật trong lĩnh vực này chưa thực sự phù hợp với thực tiễn, đôi khi còn chồng chéo. Cần có đầy đủ văn bản hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, để dễ vận dụng vào thực tiễn.  

Tin cùng chuyên mục