Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông sẽ được nghiên cứu, sửa đổi trong năm 2023

Ngày 24-10, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội nghị tập huấn trực tuyến tại 63 tỉnh, thành trên cả nước về triển khai văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chế độ, chính sách cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông.

Tại buổi tập huấn, ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết, trong giai đoạn 2010-2021, cơ quan thẩm quyền các cấp đã ban hành gần 200 văn bản quy định trực tiếp hoặc liên quan đến đội ngũ nhà giáo.

Trong đó, có 3 văn bản Luật trực tiếp quy định các vấn đề về nhà giáo thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý của ngành giáo dục gồm: Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi năm 2019), Luật Giáo dục năm 2019 và Luật Giáo dục đại học năm 2012 (sửa đổi năm 2018).

Bên cạnh đó, hoạt động nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cũng chịu sự chi phối của một số Luật khác gồm: Luật tổ chức Chính phủ năm 2015, Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi năm 2019), Luật Công đoàn năm 2012, Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, Bộ Luật lao động năm 2019, Luật người khuyết tật năm 2010, Luật Thể dục, thể thao năm 2006 (sửa đổi năm 2018)…

Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan đã ban hành hơn 100 văn bản dưới Luật quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện các Luật nói trên.

Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông sẽ được nghiên cứu, sửa đổi trong năm 2023 ảnh 1 Giáo viên Trường THPT Phước Kiển (huyện Nhà Bè) thực hiện nhiệm vụ coi thi cuối học kỳ 2 năm học 2021-2022

Đặc biệt, trong vòng 4 năm trở lại đây (giai đoạn 2019-2022), có tổng cộng 26 văn bản quy định trực tiếp hoặc liên quan đến nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục thuộc thẩm quyền các cấp đã được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới thay thế.

Như vậy, có thể thấy hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chế độ, chính sách đối với nhà giáo được ban hành có số lượng lớn, đa dạng về loại hình, do nhiều chủ thể ban hành vào những thời điểm khác nhau và thường xuyên được sửa đổi, bổ sung, thay thế nhằm đáp ứng các yêu cầu quản lý.

“Trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cần quy định đối tượng, thời gian, không gian cụ thể. Tuy nhiên, đối tượng, thời gian, không gian cụ thể chịu sự tác động bởi các điều chỉnh, thay đổi về mặt xã hội, điều kiện kinh tế, cơ cấu đơn vị sự nghiệp dẫn đến một số thời điểm văn bản quy định chưa theo kịp thực tế”, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bày tỏ.

Theo lãnh đạo Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, sau nhiều lần đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo, hiện nay là thời điểm chín muồi để xây dựng luật này. Hiện nay, Bộ GD-ĐT đã có tờ trình Chính phủ và được đồng ý về mặt chủ trương xây dựng, tổ chức lấy ý kiến trong toàn ngành để xây dựng Luật Nhà giáo.

Đây sẽ là cơ sở đảm bảo quyền và lợi ích của đội ngũ cán bộ, nhà giáo, đồng thời quy định rõ nghĩa vụ và trách nhiệm của các thầy cô giáo, xứng đáng với vị thế, vai trò đã được xã hội giao phó.

Hiện nay, ngành giáo dục đang thực hiện nhiều chính sách thể hiện sự quan tâm, chăm lo đội ngũ như giảm định mức tiết dạy/tuần cho giáo viên và bổ sung thêm vị trí nhân viên giáo vụ tại các trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú; thực hiện phụ cấp ưu đãi và phụ cấp trách nhiệm công việc đối với nhà giáo dạy người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập; hỗ trợ giải quyết việc làm cho nhà giáo là thân nhân các gia đình có công với cách mạng…

Song song đó, Bộ GD-ĐT đang trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn Nghị quyết số 103-NQ/CP (ngày 11-8-2022) về chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dự kiến sẽ ban hành trong tháng 11-2022.

Ngoài ra, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện các quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, Bộ GD-ĐT đang tiến hành nghiên cứu, sửa đổi các quy định nhằm phù hợp hơn với tình hình thực tế. Dự kiến, sửa đổi sẽ được ban hành trong năm 2023.

Tin cùng chuyên mục