Quốc hội chất vấn thành viên Chính phủ

Sáng 30-10, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã bắt đầu hoạt động chất vấn.
Phát biểu khai mạc hoạt động chất vấn của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4 đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, từng lĩnh vực có chuyển biến tích cực.
Quốc hội chất vấn thành viên Chính phủ ảnh 1 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc hoạt động chất vấn của quốc hội. Ảnh: quochoi.vn
Tuy nhiên, có nội dung cần có lộ trình để thực hiện, một số nội dung chậm triển khai hoặc thực hiện chưa có hiệu quả nên cử tri vẫn tiếp tục kiến nghị, cần thiết có sự đánh giá tổng thể làm rõ khó khăn vướng mắc từ đó có giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Về hoạt động chất vấn lần này, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, sẽ không chất vấn theo nhóm vấn đề như thông lệ, mà chất vấn các vấn đề liên quan đến các nghị quyết của Quốc hội và giám sát chuyên đề.

“Chất vấn lĩnh vực nào thì trước hết trưởng ngành đó có trách nhiệm trả lời, liên quan đến điều hành chung thì các phó thủ tướng trả lời. Riêng với lĩnh vực do Bộ Thông tin - Truyền thông phụ trách thì do Phó Thủ tướng phụ trách trả lời”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Hiện nay, Phó Thủ tướng được phân công phụ trách lĩnh vực này là ông Vũ Đức Đam.

Cuối phiên chất vấn Phó Thủ tướng sẽ làm rõ các vấn đề đại biểu quan tâm. Các đại biểu chất vấn không quá 1 phút; thời gian trả lời không quá 3 phút, tranh luận không quá hai phút, không quá hai lần.

* Báo cáo với Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị (KN) của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, thông qua 1.423 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 5, Ban Dân nguyện đã tổng hợp được 2.115 KN của cử tri liên quan đến hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, Toà án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao... Đến nay, 100% KN đều được xem xét, giải quyết và trả lời tới đoàn ĐBQH nơi cử tri kiến nghị. Trong đó có 2.004 KN (94,75%) liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ.
Toàn bộ 2.004 kiến nghị gửi đến Chính phủ, các bộ, ngành đã được nghiên cứu, giải quyết, trả lời, trong đó có: 1.599 KN (79,79%) được giải trình, cung cấp thông tin tới cử tri; có 103 KN (5,14%) đã giải quyết xong, thông qua sửa đổi 16 văn bản theo phản ánh của cử tri; thanh tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường; về tình trạng lạm thu đầu năm học, bạo hành trẻ mầm non; về quy hoạch, hỗ trợ, tái định cư cho người dân Khu đô thị Thủ Thiêm...
Đặc biệt, theo phản ánh của cử tri Kiên Giang, Ninh Thuận, Phú Thọ... về tình trạng buôn lậu, hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với các mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thực phẩm, dược phẩm, Bộ Công thương đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tiến hành thanh tra, kiểm tra 728 cơ sở, phát hiện và xử lý 367 vụ vi phạm, chuyển cơ quan điều tra một số vụ vi phạm nghiêm trọng, như vụ VINACA, khăn lụa Khaisilk, mỹ phẩm TS,... xác minh dấu hiệu vi phạm với sản phẩm nhãn hiệu CONCUNG; xem xét, xử lý cán bộ có dấu hiệu vi phạm trong thực thi công vụ.
Đối với 302 KN (15,07%) đang giải quyết, đã có 234 KN dự kiến thời hạn giải quyết xong (chiếm 77,48%), tạo sự tin tưởng yên tâm đối với cử tri.
Tất cả các Đoàn ĐBQH đều nhận xét Chính phủ, các bộ, ngành rất nỗ lực, trách nhiệm giải quyết kiến nghị của cử tri, lần đầu tiên có Bộ không còn tồn đọng KN chưa giải quyết như Bộ KH&CN, Bộ Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước.
Phản ánh của cử tri TPHCM, Hà Nội, Bình Định, Đà Nẵng, Cần Thơ về an toàn, phòng, chống cháy nổ tại các khu chung cư, nhà cao tầng đã được Bộ Công an tổ chức 120.307 lượt kiểm tra trên toàn quốc, phát hiện 6.951 cơ sở vi phạm, phạt hành chính gần 16 tỷ đồng.
Bộ TN-MT đã kiểm tra, xử lý được 634 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như Công ty Leenman (Hậu Giang), nhà máy Alumin Nhân cơ (Đăk Nông)… theo kiến nghị của cử tri Bắc Ninh, Hòa Bình, Quảng Bình.
Đặc biệt, trước phản ánh của cử tri và dư luận về hành vi lợi dụng danh nghĩa báo chí để “nhũng nhiễu” doanh nghiệp, đòi hối lộ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã rất nhanh chóng lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin, kịp thời xử lý vấn đề này.
Bên cạnh những ghi nhận tích cực, Báo cáo của UBTVQH cũng đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế; mà tiêu biểu là việc một số văn bản trả lời cử tri có nội dung còn chung chung, chủ yếu là “tiếp thu và sẽ nghiên cứu giải quyết”. Hiện tượng này cũng dẫn tới tỷ lệ KN được giải quyết thấp, chủ yếu là cung cấp thông tin (79,79%).

Trước khi tiến hành chất vấn trực tiếp, Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Quốc hội chất vấn thành viên Chính phủ ảnh 2 Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình. Ảnh: quochoi.vn
Báo cáo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hoà Bình đã cung cấp thông tin chi tiết về tiến độ thực hiện 2 dự án quan trọng quốc gia.

Trong đó, đối với Dự án đầu tư xây dựng công trình đường sắt đô thị TPHCM, tuyến Metro số 5 giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn), tháng 5-2018, Hội đồng thẩm định quốc gia đã có Báo cáo thẩm định sơ bộ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án gửi, đề nghị TPHCM lập lại Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án và có kế hoạch lập lại Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án gửi Hội đồng thẩm định, đến nay, TPHCM đang tiếp tục nghiên cứu, xử lý.

Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, ngày 20-7-2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được Tờ trình số 7648/TTr-UBND ngày 20-7-2018, kèm Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị phê duyệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện thủ tục xin ý kiến các Thành viên Hội đồng thẩm định nhà nước về nội dung Tờ trình số 7648/TTr-UBND ngày 20-7-2018 và Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án, đến ngày 2-10-2018, còn 5/15 Thành viên Hội đồng chưa có ý kiến. Hội đồng thẩm định nhà nước sẽ khẩn trương hoàn thành Báo cáo kết quả thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án trong tháng 10-2018.

Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình khẳng định, việc thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong kế hoạch đầu tư công năm 2018 cơ bản được đảm bảo. Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2018, 96% số vốn kế hoạch đầu tư công năm 2018 đã được các Bộ, ngành và địa phương phân bổ; trong đó bảo đảm các nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên bố trí vốn như thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi tối thiểu số vốn ứng trước nguồn ngân sách Trung ương còn lại chưa thu hồi.

Công tác lập, giao và theo dõi kế hoạch đầu tư công được đổi mới theo hình thức trực tuyến trên Hệ thống thông tin về đầu tư công, giúp việc giao kế hoạch được thực hiện nhanh chóng, thuận tiện, bảo đảm tiến độ thời gian đồng thời tạo sự công khai, minh bạch của hoạt động đầu tư công, làm cơ sở theo dõi, đánh giá và rà soát công tác thực hiện chương trình dự án đầu tư công, điều chỉnh chương trình, dự án đầu tư công.

“Luật Đầu tư công góp phần tăng cường quản lý nhà nước, công khai, minh bạch, khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, kiểm soát nợ đọng xây dựng cơ bản, chống thất thoát, lãng phí, phòng chống tham nhũng trong đầu tư công. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai thực hiện, nhất là khi áp dụng vào thực tiễn của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Luật Đầu tư công đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu hoàn thiện, xin ý kiến thành viên Chính phủ đối với dự thảo Luật  Đầu tư công (sửa đổi), trình các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra và trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, nội dung bảo đảm phù hợp với thực tế và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động quản lý đầu tư công tại các Bộ, ngành, địa phương”, ông Trương Hoà Bình nhấn mạnh.
Tiếp tục khẳng định chủ trương triển khai mở rộng các hình thức đầu tư để huy động từ khu vực tư nhân, Phó Thủ tướng cũng cho biết, một số chính sách, giải pháp đã được ban hành nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân. Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan tiếp tục triển khai các giải pháp thực hiện có hiệu quả môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng tới năm 2020 (cải cách về các thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh, cải thiện về quản lý chuyên ngành).

Về đẩy mạnh đầu tư cho vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng chịu nhiều thiệt hại do biến đổi khí hậu, ưu tiên nguồn vốn để hỗ trợ cho người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2016 - 2020, danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020, danh sách các huyện nghèo và huyện thoát nghèo giai đoạn 2018 - 2020. Đây là cơ sở quan trọng để các Bộ, ngành phân khai nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ cho các địa bàn khó khăn, vùng dân tộc và miền núi…

Tin cùng chuyên mục