Quốc hội bỏ hộ kinh doanh khỏi Luật Doanh nghiệp ​

Sáng 17-6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.
Quốc hội biểu quyết thông qua các luật sửa đổi, bổ sung sáng 17-6. Ảnh: QUANG PHÚC
Quốc hội biểu quyết thông qua các luật sửa đổi, bổ sung sáng 17-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Với 90,68% đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Giải trình về dự án luật này, về nội dung hộ kinh doanh gây nhiều tranh luận vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, một số ý kiến đồng ý với việc quy định một chương về hộ kinh doanh trong dự thảo Luật; một số ý kiến khác đồng ý xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến ĐBQH. Trên cơ sở đa số ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu theo hướng bỏ quy định về hộ kinh doanh; bỏ quy định về chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Đồng thời, để bảo đảm tính liên tục cho đến khi ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh, cần thiết giao Chính phủ hướng dẫn đăng ký và hoạt động đối với hộ kinh doanh.

Về doanh nghiệp nhà nước, một số ý kiến cho rằng khái niệm doanh nghiệp nhà nước (DNNN) như tại dự thảo Luật (doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) là chưa phù hợp. Khái niệm DNNN đã thay đổi liên tục, không bảo đảm tính nhất quán, tác động đến cách thức quản lý của các doanh nghiệp, tạo ra sự khác biệt trong cách thức quản lý với các doanh nghiệp khác. Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định DNNN gồm các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết nhằm thể chế hóa chủ trương về tỷ lệ cổ phần, vốn góp chi phối của nhà nước. Dự thảo Luật đã sửa đổi khái niệm DNNN theo nguyên tắc phân chia các loại doanh nghiệp có sở hữu nhà nước theo mức độ sở hữu khác nhau, mỗi loại hình doanh nghiệp có quy định về tổ chức quản trị phù hợp để nâng cao hiệu lực quản trị, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, bảo đảm bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo việc rà soát các luật có liên quan về DNNN để bảo đảm đồng bộ trong hệ thống pháp luật, có hiệu lực thi hành cùng Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Do vậy, Ủy ban đề nghị Quốc hội cho giữ quy định này như dự thảo Luật đã được hoàn thiện, chỉnh lý trình Quốc hội thông qua.

Quốc hội bỏ hộ kinh doanh khỏi Luật Doanh nghiệp ​ ảnh 1 Các ĐBQH bấm nút thông qua Luật. Ảnh: QUANG PHÚC

Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cũng quy định rõ những tổ chức, cá nhân không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam như cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình; cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước; người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân... Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự…

Tin cùng chuyên mục