Quốc ca, tài sản quốc gia và bản quyền

Khán giả xem trận đấu giữa đội tuyển bóng đá Việt Nam - Lào trong khuôn khổ giải AFF Cup tối 6-12, đã vô cùng ngỡ ngàng bởi tại thời điểm Quốc ca Việt Nam vang lên, kênh YouTube Next Sports tắt tiếng, đồng thời chạy dòng chữ giải thích lý do bản quyền.

Ngày 7-12, Bộ VH-TT-DL có ý kiến chính thức khẳng định, pháp luật Việt Nam quy định nghiêm cấm bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, dưới bất kỳ hình thức nào có hành vi ngăn chặn, cản trở việc phổ biến tác phẩm Tiến quân ca (Quốc ca Việt Nam) trực tiếp hay gián tiếp (bao gồm trên mạng). 

Bộ VH-TT-DL yêu cầu tất cả các cá nhân, tổ chức thực hiện nghiêm, không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam. Quan điểm rõ ràng của Bộ VH-TT-DL cho thấy, việc lấy lý do bản quyền để tắt tiếng Quốc ca là hành vi không những không thể chấp nhận được mà còn bị điều chỉnh bởi pháp luật.

Song những mắc mớ liên quan tới bản quyền của bản ghi Tiến quân ca không phải lần đầu tiên. Gần đây, xảy ra việc một doanh nghiệp lên tiếng khẳng định bản quyền trên YouTube đối với một bản ghi Tiến quân ca do họ sản xuất và là chủ sở hữu của bản ghi đó; bất kỳ ai muốn sử dụng bản ghi này phải xin phép… Khi ấy, dư luận cũng hoang mang bởi lẽ bản nhạc Tiến quân ca đã được gia đình nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng cho nhân dân và Tổ quốc Việt Nam thì tại sao dùng bản ghi ấy lại phải xin phép, lại phải thực hiện đúng bản quyền? Ồn ào như vậy nhưng chưa có cơ quan chức năng nào, nhất là Bộ VH-TT-DL, cơ quan có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước cũng như thực hiện các biện pháp cần thiết gìn giữ, phát huy giá trị của Quốc ca, lên tiếng kịp thời.

Thực tế, hiện có rất nhiều bản ghi âm ca khúc Tiến quân ca do các đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước sản xuất. Việc xác định đâu là bản ghi âm đã được đăng ký sở hữu bản quyền và được bảo hộ bản quyền theo Luật Sở hữu trí tuệ quốc tế là việc không đơn giản. Chính vì vậy, để không xảy ra những trường hợp mắc lỗi bản quyền đối với Quốc ca, cần có hướng dẫn rõ ràng về pháp lý để các tổ chức, cá nhân có thể làm theo. Ngoài ra, cũng cần xây dựng một thư viện điện tử các bản phối Tiến quân ca, trong đó quy định rõ bản nào được dùng miễn phí, bản nào phải xin phép hoặc phải trả phí khi sử dụng. Thực tế việc này không quá khó, bởi Bộ VH-TT-DL có rất nhiều đơn vị nghệ thuật trực thuộc với các nghệ sĩ tài năng, có thể thực hiện được những bản phối, bản ghi âm Quốc ca nghiêm trang nhất, hào hùng, xúc động để mỗi người dân, tổ chức có thể sử dụng trong những sự kiện quan trọng.

Khi vươn ra thế giới, tham gia vào sân chơi quốc tế, việc tôn trọng các thỏa thuận và điều ước quốc tế về bản quyền là một trong những yếu tố có vai trò rất quan trọng. Bởi vậy, cùng với việc nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân về bản quyền, vai trò dẫn dắt của cơ quan chức năng là hết sức cần thiết. 

Ở một khía cạnh khác, Quốc ca là sở hữu của Nhà nước và toàn dân, điều này có nghĩa là người dân Việt Nam có thể sử dụng mà không cần xin phép, không phải nộp phí bản quyền cho bản nhạc. Như vậy, những cá nhân và tổ chức quốc tế khi sử dụng bản Tiến quân ca có phải trả phí bản quyền không và sẽ trả cho ai? Quốc ca là tài sản của quốc gia, bởi vậy bên cạnh việc gìn giữ thì làm thế nào để phát huy được giá trị của tài sản đó, là trách nhiệm của đơn vị quản lý nhà nước. 

Trước đây, Bộ VH-TT-DL đã có Hướng dẫn 3420 về việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, song vẫn chưa có quy định cụ thể về bản quyền khi sử dụng. Từ vụ việc hy hữu Quốc ca bị “tắt tiếng” trên, rất cần cơ quan quản lý nhanh chóng có những hướng dẫn cụ thể, nhất là về mặt pháp lý, để không còn những vụ việc tương tự xảy ra.

Tin cùng chuyên mục