Quay về những giá trị thuần túy

Mấy hôm rày, trên trang cá nhân, nhiều bạn trẻ đăng tải những dòng mang tính “tổng kết năm”. Bên cạnh nỗi lo lắng, vất vả của một năm nhiều biến cố, nhiều bạn trẻ cho rằng, trong khó khăn đó, họ đã tìm được cho mình những giá trị sống thiết thực, tích cực, biết cân nặng - nhẹ, biết cần và đủ cho những vấn đề trong cuộc sống.

Ý nghĩa của gia đình

Có thể hơi vô lý, nhưng trong những ngày chịu ảnh hưởng của việc cách ly/giãn cách toàn xã hội, đâu đó những bữa cơm nhà thường xuyên và đủ mặt các thành viên nhiều hơn. Cô Nguyễn Thị Tú Tâm (56 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) kể: “Cả tuần có khi không đứa nào về ăn cơm nhà, chiều nào cũng có hai vợ chồng ăn cơm với nhau. Hai tuần cách ly, phải làm việc ở nhà thì cơm chiều mới đủ mặt. Sau đợt đó, bây giờ tụi nhỏ cũng tranh thủ về ăn cơm nhà nhiều hơn”.

Đi làm xa nhà, Mai Văn Hiệp (25 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) quyết định thuê trọ gần công ty để đi lại cho tiện và một hoặc hai tuần về thăm nhà một lần. Sau một năm dịch Covid-19 ảnh hưởng, Hiệp quyết định dọn hẳn về nhà sống để có thể chăm lo bố mẹ tốt hơn. Hiệp kể: “Có những ngày phòng dịch, công ty cho làm việc từ xa. Về nhà, tôi mới biết sức khỏe ba mẹ dạo này không tốt, chân ba tôi đau nhức hơn trước nhiều nên đi lại khó khăn. Nhưng thấy mình công việc bận rộn, cả một hai tuần mới về nhà một lần nên ba mẹ không nói, hai ông bà già lo cho nhau, còn em trai tôi thì đang tuổi ăn học cũng không đỡ đần được nhiều. Tôi quyết định về nhà hẳn, chịu khó đi làm xa một chút, nhưng ba mẹ có đau ốm thì có mình kề cận liền”.

Quay về những giá trị thuần túy ảnh 1 Bạn trẻ thích ứng nhanh với việc đeo khẩu trang khi làm việc ở công ty hay nơi công cộng
Chính trong những ngày áp lực và khó khăn đó thì hai chữ gia đình và quê hương lại càng thiêng liêng hơn bao giờ hết. Những bạn du học sinh, người lao động Việt Nam ở nước ngoài cũng hướng về quê nhà qua từng bản tin hay những cuộc điện thoại. Trở về trong một chuyến đón công dân Việt Nam ở nước ngoài về, chị Trần Thảo Nguyên (26 tuổi, lao động Việt Nam ở Nhật Bản) kể: “Về nước và tuân thủ những quy định cách ly y tế rồi mới trở về gia đình, nhưng chưa bao giờ tôi thấy cảm động và biết ơn mọi thứ ở đất nước mình như bây giờ. Dịch bệnh ai cũng sợ và những người xa nhà như chúng tôi càng sợ hơn, vì dù bất cứ tình huống tốt hay xấu nào xảy ra thì ai cũng mong mình được ở trong vòng tay gia đình, trên đất nước mình được sinh ra và lớn lên”.

Cân bằng và lạc quan

Tuổi trẻ thường lấy lý do “bận công việc” để giải thích cho những thiếu sót của bản thân với gia đình; hay làm việc bất kể thời gian, sức khỏe cho những mục tiêu, hoài bão mà quên mất chuyện ai cũng cần phải nghỉ ngơi để cân bằng mọi thứ.

Làm thêm ngay khi còn là sinh viên, nên sau khi tốt nghiệp, dù làm công việc tự do nhưng Trần Thủy Tiên (27 tuổi, thiết kế đồ họa, ngụ quận 7) nhận được nhiều hợp đồng từ các đối tác. “Cả hai năm trời, tôi chỉ chú tâm vào công việc, một phần vì được làm việc mình thích, một phần vì mong muốn dành dụm khoản tiết kiệm nên cứ tìm kiếm và nhận hợp đồng liên tục”, Tiên kể. Ảnh hưởng của dịch, nhiều hợp đồng bị gián đoạn, Tiên bắt đầu học cách nấu ăn, tập yoga qua các video hướng dẫn trên mạng. Cô chia sẻ: “Dịch làm tôi nhận ra nhiều điều, nhất là giá trị gia đình, học cách cân bằng công việc và sức khỏe. Hai năm trời, đau bao tử mà tôi cứ uống thuốc qua loa. Bây giờ, phải tốn tiền điều trị, uống thuốc và tái khám định kỳ theo chỉ dẫn bác sĩ thì mới thấm hết câu nói, kiếm tiền quan trọng nhưng sức khỏe mới là trên hết”.

Ở độ tuổi đang tạo dựng sự nghiệp, một số người trẻ có muôn vàn lý do để nghỉ việc như: trả lương chậm, cãi nhau với đồng nghiệp, sếp giao nhiều việc… hay chỉ đơn giản là chán thì nghỉ. Nhưng những ảnh hưởng của tình hình kinh tế trong năm qua, không ít công ty cắt giảm nhân sự hoặc tệ hơn là phải đóng cửa, khiến nhiều người trẻ cũng bắt đầu trân trọng từ những điều nhỏ nhất, để duy trì cuộc sống. Duy Mạnh (28 tuổi) nói: “Ở công ty, có những bạn trẻ gia đình ở miền Trung, trong đợt lũ lụt vừa qua, nhiều bạn muốn về nhà giúp đỡ cha mẹ, nhưng ai cũng nghĩ, nếu mình cố gắng nhiều hơn với công việc, được trả công xứng đáng thì đồng tiền làm ra đó sẽ giúp ích nhiều hơn cho gia đình ở quê. Cứ thế, chúng tôi lại động viên nhau nỗ lực làm việc”.

Một năm với nhiều sự xáo trộn và thay đổi trong cuộc sống vì ảnh hưởng dịch, thiên tai nhưng đây có lẽ cũng là một tác động để những người trẻ trong ý thức và trân trọng các giá trị mà mình đang có được.

Tin cùng chuyên mục