Quay lại là bờ

Trong những vị khách đến thăm và chúc mừng nhân sĩ Nguyễn Hữu Hạnh ngày về nhà mới, có đại diện Ủy ban Mặt trận tổ quốc (UBMTTQ) TPHCM, CLB Truyền thống kháng chiến Binh vận Trung ương Cục miền Nam, cùng đại diện chính quyền địa phương. 
Các vị khách đến thăm nhân sĩ Nguyễn Hữu Hạnh về nhà mới Ảnh: Q.AN
Các vị khách đến thăm nhân sĩ Nguyễn Hữu Hạnh về nhà mới Ảnh: Q.AN

Ai cũng đồng tình là với công lao đóng góp của nhân sĩ Nguyễn Hữu Hạnh, ông xứng đáng được hỗ trợ ngôi nhà khang trang như thế này, dù trước đó ông đã được 2 lần cấp nhà tại TPHCM.

Nghĩa cử của đạo lý tình người

Căn nhà mới sửa khá đẹp, được thực hiện vào giữa tháng 4-2019, theo đề xuất của Chủ tịch UBMTTQ TPHCM về việc hỗ trợ nhân sĩ Nguyễn Hữu Hạnh, 95 tuổi, có nơi ở mới khang trang hơn, để yên vui những ngày cuối đời, dù trước đây, ông đã 2 lần được cấp nhà tại TPHCM và hiện vẫn còn một ngôi nhà tại xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TPHCM (hiện do người con trai thứ 10 của ông đang ở). Thời gian qua, ông sống với người vợ sau là bà Trần Thị Hiệp tại ấp Me, thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang trong ngôi nhà đã xuống cấp. 

UBMTTQ TPHCM đã đề ra một số phương án thực hiện nhằm hỗ trợ nhà ở phù hợp cho nhân sĩ Nguyễn Hữu Hạnh. Trong đó có phương án sử dụng ngôi nhà 100,8m2 của người con trai riêng thứ ba của bà Hiệp đang ở, cải tạo và xây dựng thành căn nhà mới gồm phòng tiếp khách, phòng nghỉ ngơi, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của nhân sĩ Nguyễn Hữu Hạnh. Phương án này đã được các cơ quan ban ngành liên quan tỉnh Tiền Giang, gia đình nhân sĩ Nguyễn Hữu Hạnh và những người con của bà Hiệp đều đồng ý. Việc xây dựng được đơn vị tài trợ là Công ty TNHH Đầu tư - Xây dựng Nguyễn Hoàng đảm trách thi công với kinh phí dự kiến ban đầu là 115 triệu đồng. Trong quá trình thi công, chính quyền và bà con ấp Me, Châu Thành, Tiền Giang quyên góp hỗ trợ thêm 62 triệu đồng. 

Vợ chồng nhân sĩ Nguyễn Hữu Hạnh bên ngôi nhà mới

Sau gần một tháng tích cực thi công, ngôi nhà mới đã hoàn thành trong niềm vui không chỉ riêng gia đình nhân sĩ Nguyễn Hữu Hạnh mà bà con ở ấp Me cũng mừng cho ông. Đây là việc làm mang ý nghĩa sâu sắc, phù hợp với đạo lý, tình người.

Ngôi nhà của niềm tin và hạnh phúc

Ngồi trong ngôi nhà khang trang, rộng hơn 100m2 vừa xây dựng xong còn nồng mùi vôi và gạch mới, nhân sĩ Nguyễn Hữu Hạnh, mà người dân nơi đây thường gọi thân thương là ông Tư Hạnh, tay cầm chiếc gậy nhìn quanh nhà với đôi mắt rạng rỡ. Tường nhà mới dán gạch men màu xanh nhạt, nền lót gạch trắng trang nhã, trần nhà trang trí ô vuông thật đẹp… Ông Tư Hạnh gật gù tỏ ý hài lòng. Bà Trần Thị Hiệp, vợ sau của nhân sĩ Nguyễn Hữu Hạnh, được bà con nơi đây gọi là bà Tư Hạnh, kề tai ông hỏi: “Nhà đẹp hôn?”, ông Tư Hạnh nở nụ cười móm sọm thật tươi: “Nhà đẹp lắm”. Các vị khách đến thăm ông có nhà mới hôm nay đều vỗ tay chúc mừng. 

Bà Tư Hạnh không giấu niềm vui xen lẫn sự xúc động, rưng rưng nói với chúng tôi: “Tôi nằm mơ cũng không có được sự thật ngày hôm nay. Vì ông Tư nhà tôi đã được cấp nhà đến 2 lần rồi. Thậm chí, ngôi nhà chúng tôi ở hơn 10 năm qua, cũng là tiền của UBMTTQ TPHCM cho mượn để xây. Bởi vậy ông Tư thường nói với tôi, chính UBMTTQ TPHCM là người đã giúp đỡ, nuôi tôi suốt quãng đời còn lại. Ông Tư Hạnh ngồi kế bên vội khoát tay tiếp lời bà Hiệp: “Cũng là nuôi bà nữa. Mặt trận lo cho tôi ở lại đây là vì bà đó”. Mọi người cùng cười xòa: “Đúng, đúng rồi”. 

Trong niềm vui phấn khởi, bà Tư Hạnh kể cho mọi người nghe về mối nhân duyên khiến bà gặp nhân sĩ Nguyễn Hữu Hạnh. Bà nói: Tôi đâu có biết ổng là ai, chỉ biết là một người hiền lành, tốt bụng, rất thương người. Có hôm thấy đứa con út của tôi đi mua 1kg gạo về nấu cơm, ông Tư kêu lại hỏi, nhà có bao nhiêu người mà mua gạo ít quá vậy. Thằng nhỏ trả lời nhà có 6 người, tại má bán vé số, mỗi ngày chỉ có tiền đủ mua gạo nhiêu đây thôi.

Ông Tư Hạnh liền nhờ người bạn là ông Bảy Rết mua cho con tôi 30kg gạo. Rồi từ đó, cứ mỗi khi xế chiều, thấy tôi bán vé số ế về ngang nhà, ông Tư kêu lại mua hết. Hôm nào nhiều nhất chỉ 15 tờ thôi, mà ông Tư cho luôn 500.000 đồng, làm tôi cảm động quá trời. Rồi thấy thương ông già, mua vé số hoài mà hổng trúng. Lúc đó ông Tư khoảng 80 tuổi, lớn hơn tôi 33 tuổi. Một hôm, ông Tư kêu tôi lại nói là vợ ông đã chết lâu rồi, còn tôi chồng cũng chết, thôi thì hai người về sống chung, hủ hỉ tuổi già. Tôi đâu có dám, sợ con của ông không chịu. Rồi ông về nhà ở Củ Chi. Chiều chiều tôi bán vé số về ngang nhà ông Bảy Rết, nơi ông Tư xuống ở đó, bỗng nhiên sao thấy nhớ ông già…

Bất ngờ, ông Tư cho đứa cháu nội xuống đây tìm tôi và gởi cho tôi 5 triệu đồng với cái điện thoại, dặn thỉnh thoảng gọi về nói chuyện cho ông đỡ nhớ. Qua điện thoại, tôi nói thiệt lòng mình là đồng ý về sống chung với ông, nhưng ông phải về ấp Me này tôi mới chịu. Bởi vậy, ông Tư mới nhờ UBMTTQ TPHCM cho mượn tiền về đây cất nhà. Mọi người cười thật vui: Vậy là ông Tư trúng số rồi, mà trúng độc đắc nữa đó nha.

Chân dung một nhân sĩ

Đến thăm gia đình ông Tư Hạnh về nhà mới hôm nay, có Đại tá Phạm Ngọc Thế nguyên là cán bộ binh vận của Trung ương Cục miền Nam, hiện là Chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến Binh vận tại TPHCM. Đại tá Phạm Ngọc Thế hiểu khá tường tận về nhân sĩ Nguyễn Hữu Hạnh, ông kể: Trung ương Cục miền Nam hiểu rất rõ về mối quan hệ giữa tướng Dương Văn Minh và Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh lúc bấy giờ là tình thầy trò mật thiết.

Chính vì vậy, để cắt bớt vây cánh của Dương Văn Minh, Nguyễn Văn Thiệu đã cho Nguyễn Hữu Hạnh về hưu khi mới 48 tuổi. Ông Hạnh về sống ẩn dật tại Cần Thơ. Vào những ngày cuối tháng 4-1975, Trung ương Cục miền Nam đánh giá là đã đến lúc đưa Nguyễn Hữu Hạnh quay lại. Đồng chí Phạm Hùng lúc bấy giờ là Bí thư Trung ương Cục miền Nam, điện khẩn về Tỉnh ủy Cần Thơ yêu cầu bằng mọi giá phải đưa Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh về Sài Gòn, nếu đường bộ khó đi, thì đi bằng đường giao liên, để trước ngày 28-4 kịp gặp Tổng thống Dương Văn Minh vừa nhậm chức. Nguyễn Hữu Hạnh chính là tình báo chiến lược đặc biệt của Trung ương Cục miền Nam. Chính Nguyễn Hữu Hạnh đã thực hiện công tác quay vào bờ của mình, tác động Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng khi quân giải phóng đang ồ ạt tiến công. 

Sau khi được Tổng thống Dương Văn Minh giao nhiệm vụ là Phụ tá tân Tổng Tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa - Trung tướng Vĩnh Lộc, chẳng bao lâu, Trung tướng Vĩnh Lộc đào nhiệm, với tư cách là Tổng Tham mưu trưởng, Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh đã ra tuyên bố kêu gọi tất cả binh sĩ buông súng. 

Sau ngày giải phóng miền Nam, ông Nguyễn Hữu Hạnh được bầu làm Tổng Thư ký Hội Nhân dân bảo trợ nhà trường và Ủy viên Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy viên MTTQ TPHCM với tư cách là nhân sĩ yêu nước.

Tin cùng chuyên mục