Quanh quẩn mương vườn

Quê tôi là xứ dừa. Mở cửa ra là thấy dừa khắp mọi nơi. Dừa ngay trong sân nhà, ngoài bờ ao, trên lối đi hàng xóm, nhưng dừa nhiều bạt ngàn là ở trong những khu vườn nối tiếp nhau như không có ranh giới phân định chủ vườn. 
Quanh quẩn mương vườn

Thật ra, mọi khu vườn dù lớn hàng chục mẫu, hay chỉ năm, ba công, một mẫu hoặc hai, ba mẫu đều có bờ ranh chạy dọc tới con lạch chảy qua xóm. Trong mỗi khu vườn đều có rất nhiều con mương xẻ ngang những bờ dừa để dẫn nước từ rạch vào mương rồi thoát ra theo thủy triều lên xuống ngày hai lần. Trong những con mương ấy, có biết bao thú vui cho một đứa trẻ con thôn quê để sống qua những ngày tháng khôn lớn dần và biết bao kỷ niệm, ấn tượng của một thời thơ ấu đã ăn sâu vào tiềm thức không thể quên được.

Tôi và đám bạn cùng trang lứa thường quanh quẩn ở mương vườn. Nước lớn đầy một chút thì câu cá bống dừa, bống các, lòng tong. Nước lớn đầy gọi là nước đứng thì tắm mương, ôm bập dừa nước tập lội, quậy lên bùn, khiến đứa nào tắm xong dưới mương lên bờ, hai bên mép cũng đều có râu, đúng hơn là mép đóng rong, nhìn nhau cười hết sức ngây ngô. Khi nước ròng sát trong mương lại càng nhiều thú vui hơn, dùng ná thun bắn đạn bùn rình bắn cá bống sao, tìm những chỗ trũng nước đọng cỡ bằng cái nia be bờ, tát bắt tôm, tép, các loại cá nhỏ. Nhưng tôi mê nhất vẫn là câu cá ốc mít trong những vũng nước đọng của chân mương vườn.

Cá ốc mít lớn hơn cá mắt tre, cỡ cá lia thia, có vảy bông lấm tấm, kỳ, vi, đuôi có màu sắc như cá lia thia, sống từng cặp theo bầy đàn. Cá mái mập tròn, luôn mang bụng trứng vàng óng, trứng nhỏ li ti như trứng cá lia thia. Cá ốc mít trống không đá nhau được nên trẻ con không bắt về nuôi trong keo thủy tinh để giỡn bóng, hay cáp độ như cá lia thia. Nhưng thịt cá ốc mít ăn rất ngon, nhất là cá ốc mít mái đang mang trứng, làm gì cũng ngon, ăn vừa béo vừa bùi. Cá ốc mít sống trong hang là những lỗ hổng bị nước khoét sâu vào chân mương vườn tự nhiên. Họ hàng nhà ốc mít hay kéo nhau ra khỏi hang, bơi lội nhởn nhơ ngoài vũng nước đọng để tìm mồi và muốn bắt được chúng thì chỉ có mỗi một cách là câu từng con một.

Câu cá ốc mít rất dễ, tìm một nhánh tre khô nhỏ vừa tầm tay làm cần câu. Đầu cần cột một sợi nhợ gai, cỡ nhợ câu cá rô cũng dài độ sải tay, nhưng không cần tóm lưỡi câu mà chỉ cột một con trùn đất làm mồi. Cá ốc mít rất mê ăn trùn đất, thấy chú trùn đất loe ngoe trước mặt là phóng tới đớp ngay và mê mồi ngậm chặt đến nỗi bị đưa lên khỏi mặt nước cũng không nhả ra. Thế là họ hàng nhà ốc mít thi nhau lần lượt nằm gọn trong thùng, hoặc giỏ của đám trẻ con chúng tôi. Một buổi câu, riêng phần tôi cũng đầy một lít, dụng cụ dùng để đong cá nhỏ, tép ngày xưa. Cá ốc mít trong mương vườn nhiều vô thiên lủng, cứ nghĩ câu cả đời cũng không hết.

Thế nhưng bây giờ về quê, thèm món cá ốc mít kho tiêu, chiên xù, nấu ngót, hay hấp cuốn bánh tráng rau sống chấm nước mắm tỏi ớt, tôi rảo hết các mương vườn cả buổi để câu, nhưng chẳng được mấy con. Thấy tôi cầm nhánh tre khô, buộc sợi nhợ gai có chú trùn đất loe ngoe đi lơ ngơ trong vườn dừa, cô bạn học thời nhỏ của tôi bây giờ đã lên chức… bà nội, bà ngoại đang tét lá dừa, nheo nheo mắt cười, hỏi: “Ông về đây đi câu con gì vậy?”. Tôi bảo câu cá ốc mít kho tiêu, mấy chục năm rồi ăn thịt cá ướp, tẩm hóa chất độc hại ngoài chợ trên thành phố, giờ thèm ăn cá ốc mít kho tiêu. Cô bạn nhỏ ngày xưa cười ngả nghiêng, nói: “Ông này lạc hậu tình hình quá, giống cá ốc mít ngày xưa, tôi và ông câu về hấp cuốn bánh tráng rau sống ăn trong nhà chòi trên mương vườn, giờ tiệt chủng rồi. Biết tại sao không?”.

Rồi cô bạn nhỏ ngày xưa giải thích luôn, tại giờ người ta đua nhau nuôi tôm thẻ chân trắng, xử lý hóa chất khử nước trong ao nuôi, xả chất thải ra gây ô nhiễm cả mương vườn nên cá ốc mít nào sống nổi. “Đến tôi mà còn ngất ngư thì còn chi là cá ốc mít?”.

Tôi hiểu ra cớ sự, vội ném phăng cây cần câu ra khỏi vườn dừa với tâm trạng u buồn của một người vừa đánh mất một thứ kỷ niệm quý giá, mà biết rằng thời gian sẽ không bao giờ quay lại. Và bỗng nhiên tôi chú ý đến vẻ trầm lắng khác lạ của khu vườn mênh mông không còn tiếng chim. Ngày xưa, khi vào vườn là nghe đủ thứ giọng chim hót, nhất là giọng con chim bảy màu nhỏ xíu, cái mỏ cong dài rất đẹp và lạ, nhảy chuyền rất nhanh tìm sâu trong cành lá, cất giọng hót líu ríu mà cao vút.

Tôi không ngạc nhiên lâu, ngược đường vào vườn với tôi là một đám trẻ con, tuổi cỡ tuổi tôi ngày xưa. Đám trẻ có hai cây súng hơi bắn đạn chì, loại 12kg của Tiệp Khắc mà tôi từng sử dụng để bắn cu cườm, cò… và cả cá bống sao trong mương vườn. Loại súng này nếu cân chỉnh ngon lành, một đứa trẻ con lên 10 cũng sẽ bắn rất chính xác. Trong đám trẻ có đứa xách cả xâu chim chiến lợi phẩm, chúng nhảy chân sáo trước thành quả sát hại loài chim vô tội. Còn tôi thì buồn vô hạn…

Rồi đây, trong những khu vườn dừa quê tôi, dưới các con mương không còn loài cá ốc mít hiền lành, dễ thương nhởn nhơ bơi lội trước cửa hang, tìm mồi trong những vũng nước đọng, và khoảng không trên bầu trời khu vườn với nhiều tán dừa đang vươn lên cũng không còn nghe được tiếng chim hót.

Xã hội nông thôn bây giờ không tính sự thay đổi bằng một thập niên nữa, mà chỉ tính từng năm, chỉ vài năm nữa thôi, những đứa trẻ con quê tôi, tuổi lên 9 lên 10 ngày nay, sẽ trở nên lạ lẫm với chính nơi mình sinh ra và lớn lên. Đến lúc những lứa tuổi thiếu niên, thanh niên ấy sẽ chỉ sống bằng ký ức, hồi tưởng về quê làng rồi nuối tiếc vì còn đâu những ngày thơ ấu rộn lên trong nắng sớm, mưa chiều, với thú vui trong sáng câu cua, câu cá quanh quẩn mương vườn.

Tin cùng chuyên mục