Thi công kè sông phát hiện 27kg tiền cổ ngàn năm tuổi

Trong lúc san ủi mặt bằng thi công bờ kè sông Hiếu (thuộc khu phố 3, phường 4, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) thì công nhân phát hiện một hũ tiền đồng cổ nên đã bàn giao cho cơ quan chức năng.

Ngày 1-12, Sở VHTT-DL tỉnh Quảng Trị cho biết, vừa có tờ trình gửi UBND Quảng Trị, đề nghị khen thưởng người dân ở phường 4 (TP Đông Hà) vì có công phát hiện, trục vớt và giao nộp một hũ tiền cổ, với mức thưởng là hơn 14,5 triệu đồng.

Thi công kè sông phát hiện 27kg tiền cổ ngàn năm tuổi ảnh 1 Hũ tiền cổ được người dân phát hiện
Hiện Trung tâm quản lý Di tích và Bảo tàng Quảng Trị đang bảo quản số tiền cổ này. Trước đó, trong lúc đang san ủi mặt bằng thi công bờ kè sông Hiếu thuộc địa phận khu phố 3 (phường 4, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị), các công nhân phát hiện hũ tiền đồng (hũ sành đã bị vỡ vụn), sau đó đưa vào nhà ông Nguyễn Quốc Trị cất giữ.
Sau khi tiếp cận được hũ tiền cổ này, Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị xác định, đây là tiền đồng cổ của Việt Nam và Trung Quốc có niên đại khác nhau đã bị ôxy hóa, đa số tiền đồng kết dính với nhau, bên cạnh đó, có một số ít đồng tiền đã tách rời.
Thi công kè sông phát hiện 27kg tiền cổ ngàn năm tuổi ảnh 2 Các đơn vị chức năng tiếp nhận số tiền cổ do người dân phát hiện
Tổng trọng lượng của số tiền cổ này là 27kg, trong đó có một khối kết dính là 13kg, số còn lại là những đồng tiền xu rời và kết dính nhỏ 14kg. Hầu hết những đồng tiền xu này đều có kích cỡ gần bằng nhau, hình dáng, đặc điểm giống nhau: Hình tròn, dẹt, ở giữa có lỗ vuông, có hai đường gờ nổi bao quanh cả vòng trong lẫn vòng ngoài. Các đồng tiền đều có nguyên hình dạng nhưng do bị ôxy hóa nên một số đồng tiền trên hai bề mặt đã phủ một lớp xỉ đồng làm mờ mặt chữ.
Theo Trung tâm quản lý Di tích và Bảo tàng Quảng Trị, qua những đồng tiền cổ bị rời ra sau khi hũ tiền bị đập vỡ, đã xác định được niên hiệu của một số đồng tiền, hầu hết là tiền có nguồn gốc từ Trung Quốc: Hoàng Tống thông bảo thuộc thời Bắc Tống (960-1127), Tuyên Hòa thông bảo thuộc thời Bắc Tống (1119-1126), Đại Định thông bảo thuộc triều đại nhà Kim (1161-1190), Hồng Vũ thông bảo thuộc triều đại nhà Minh (1328-1398), Vĩnh Lạc thông bảo thuộc triều đại nhà Minh (1360-1424)...

Xác định đây là những đồng tiền cổ có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học phản ánh về tình hình giao thương của vùng đất Quảng Trị trong các thế kỷ XVII - XVIII.

“Cũng có thể trong khối này còn có những đồng tiền khác của Việt Nam nhưng bị kết dính nên chúng tôi chưa tìm ra”, ông Ngô Văn Minh, Phó Phòng Sưu tầm, Kiểm kê và Bảo quản (Trung tâm quản lý Di tích và Bảo tàng Quảng Trị) cho hay.

Tin cùng chuyên mục