Quảng Trị: Hàng trăm tấn hải sản hư hỏng vẫn chưa được tiêu hủy

Hơn 475 tấn mắm chợp, ruốc của các cơ sở kinh doanh trên địa tỉnh Quảng Trị tồn kho trong nhiều năm sau sự cố môi trường biển, đến nay đã hư hỏng, bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường.

Hàng trăm tấn hải sản hư hỏng chờ xử lý
Hàng trăm tấn hải sản hư hỏng chờ xử lý

Có mặt tại cơ sở nước mắm của ông Bùi Xuân Khiêm (63 tuổi, trú thôn Di Loan, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị), cơ sở này hiện có hơn 40 tấn mắm chợp và 4,4 tấn ruốc đặc tồn kho bị hư hỏng.

 Quảng Trị: Hàng trăm tấn hải sản hư hỏng vẫn chưa được tiêu hủy ảnh 1 Bể chứa mắm chợp của gia đình ông Khiêm sau nhiều năm đã xuống cấp, bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường

Ông Khiêm cho biết: “Hơn 5 năm sau khi xảy ra sự cố môi trường biển do Formosa gây ra đến nay vẫn chưa xử lý được, mắm chợp hư hỏng, bể chứa xuống cấp không sửa chữa được nên bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm ảnh hưởng đến đời sống của gia đình và người dân xung quanh khu vực. Các cơ quan chức năng địa phương đã nhiều lần đến cơ sở sản xuất của gia đình để kiểm tra, lập biên bản hải sản tồn kho, không đảm bảo chất lượng, an toàn. Tuy nhiên, việc quan trọng nhất là tiêu hủy đến nay vẫn chưa thực hiện”.

Trung bình mỗi năm gia đình ông Khiêm thu mua gần 100 tấn hải sản để chế biến nước mắm, ruốc, tạo việc làm cho khoảng 10 lao động. Sau sự cố môi trường biển, gia đình đã mất đi phần lớn diện tích bể để chứa hơn 44,4 tấn hải sản hư hỏng, cơ sở hoạt động cầm chừng gây thiệt hại lớn.

“Người ta thấy cơ sở mình còn hải sản tồn kho nên lo sợ mình dùng thứ đó để sản xuất nước mắm. Khách hàng không dám mua khiến gia đình tôi không thể tiếp tục sản xuất, mất thu nhập, công nhân nghỉ việc”, ông Khiêm bức xúc cho hay.

Video hàng trăm tấn hải sản tồn kho, hư hỏng vẫn chưa được tiêu huỷ:
 Cạnh bên, cơ sở nước mắm Huỳnh Kế của bà Lê Thị Huỳnh (60 tuổi, trú khu phố An Du Đông 2, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh) là cơ sở còn tồn kho hơn 252,6 tấn mắm chợp và 17 tấn ruốc đặc, lỏng.  

“Hàng trăm tấn mắm chợp, ruốc tồn kho của gia đình đã được các cơ quan ban ngành đã kiểm tra, xác định sản phẩm không đảm bảo an toàn buộc phải tiêu huỷ, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được tiêu hủy. Gia đình chỉ mong muốn được xử lý hàng tồn kho hư hại, để cơ sở có hồ bể để thu mua cá khôi phục sản xuất”, bà Huỳnh cho hay.

 Quảng Trị: Hàng trăm tấn hải sản hư hỏng vẫn chưa được tiêu hủy ảnh 2 17 tấn ruốc đặc, lỏng của gia đình bà Lê Thị Huỳnh tồn kho chờ xử lý đến nay đã hư hỏng, gây ô nhiễm môi trường.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị, hiện trên địa bàn huyện Vĩnh Linh có 5 cơ sở sản xuất đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Trị xác minh nguồn gốc, khối lượng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển đề nghị tiêu huỷ hải sản tồn kho. Tuy nhiên, khối lượng hải sản tẩm ướp bị hư hỏng của 1 trong 5 hộ kinh doanh được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xác minh nguồn gốc, phân loại tại báo cáo số 19/BC-SNN ngày 25-1-2021 chênh lệch so với khối lượng hải sản tẩm ướp bị hư hỏng của hộ dân này được Sở Y tế kiểm tra chất lượng, nên cần kiểm tra, xác định lại, dẫn đến việc tiêu hủy bị chậm trễ.

Xét thấy việc kiểm tra, giám định khối lượng hàng của cơ sở này có thể mất nhiều thời gian để thực hiện, nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, sớm ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh cho các hộ dân, Sở Tài nguyên và Môi trường đã trình UBND tỉnh, đề xuất cho xây dựng phương án tiêu hủy trước số hàng đã được Sở Y tế kiểm tra xác nhận không đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm với tổng khối lượng hơn 475 tấn gồm mắm chợp và ruốc đặc, lỏng.

Ông Hà Sỹ Đồng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho hay, hiện tỉnh đã ban hành văn bản hoả tốc, trong đó giao Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị chủ trì, phối hợp các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài chính, Y tế và UBND huyện Vĩnh Linh xây dựng phương án, thực hiện việc tiêu huỷ hàng hải sản tẩm ướp tồn kho bị hư hỏng, đã được Sở Y tế kiểm tra, xác nhận không đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để tiêu huỷ nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường.

Tin cùng chuyên mục