Quảng Ngãi: Phục hồi rừng quế bản địa của người Cor

Ngày 19-3, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi có báo cáo tổng kết về dự án nghiên cứu lưu giữ, bảo tồn nguồn gien giống cây quế bản địa Trà Bồng và đánh giá kết quả bảo tồn gien quế quý hiếm này. 

Sau 6 năm thực hiện dự án, ngành nông nghiệp đã rà soát, điều tra, tuyển chọn được 200 cây quế trội (cây quế mẹ) bản địa Trà Bồng tại 8 xã trên địa bàn huyện Trà Bồng để lưu giữ nguồn gien lấy hạt giống. Từ hạt giống trội của 200 cây quế bản địa Trà Bồng, đơn vị nghiên cứu ươm tạo thành công gần 40.000 cây giống, trồng được 10ha rừng quế trội bản địa Trà Bồng. Đồng thời, tập huấn, trao kiến thức, kỹ thuật cho hàng trăm người dân, cán bộ cơ sở tham gia trồng quế.

Theo Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi, hiện địa bàn huyện Trà Bồng đang trồng 2 giống gồm quế bản địa Trà Bồng và quế di thực. Giống quế bản địa Trà Bồng đã gắn bó với người dân địa phương, đặc biệt là dân tộc người Cor ở huyện Trà Bồng. Giống quế bản địa Trà Bồng sinh trưởng, phát triển tuy chậm hơn, nhưng chất lượng của vỏ quế, hàm lượng tinh dầu cao hơn so với nhiều loại quế khác.

Từ năm 2014, UBND tỉnh Quảng Ngãi lập đề án khung và giao Sở KH-CN và Chi cục Kiểm lâm tỉnh bảo tồn nguồn gien cấp tỉnh, giai đoạn 2014-2020. Hiện có khoảng 6.000 hộ dân người Cor trồng quế, bảo tồn rừng quế ở Trà Bồng với 6.000ha, sản lượng khai thác 2.000 tấn/năm, doanh thu trên 100 tỷ đồng/năm. Năm 2013, quế bản địa Trà Bồng được xác lập kỷ lục châu Á.

Tin cùng chuyên mục