Quảng Ngãi: Đẩy nhanh tiến độ Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh

Sáng 10-10, UBND tỉnh Quảng Ngãi, Ban Quản lý Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh tổ chức Hội nghị, tập huấn Cung cấp thông tin, kiến thức Công viên địa chất Lý Sơn -Sa Huỳnh, cập nhật tiến độ lập hồ sơ trình UNESCO.

Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh được xác lập diện tích 5.100km2, trong đó diện tích mặt biển 2.600km2 và diện tích đất liền 2.000km2, dân số 900.000 người, 87 điểm địa chất có giá trị địa chất, địa mạo, văn hóa đặc sắc…với chủ đề “Miền đất của những chuyển động”, xây dựng 4 tuyến tham quan gồm: Bí ẩn nơi đảo thiêng; Lục địa cổ-vũ điệu thời gian; Hành trình về những nền văn hóa cổ; Tiếng vọng của biển và ký ức chiến tranh.

Về địa chất, di sản địa chất khu vực nghiên cứu thuộc một bộ phận của lục địa cổ Gondwana với lịch sử tiến hóa địa chất đến 2,5 tỷ năm, 24 phân vị địa tầng cùng các hoạt động kiến tạo, magma phun trào đa dạng, rộng khắp và liên tục cho đến những đợt phun trào basalt cuối cùng để nơi đây có những giá trị di sản địa chất như thác nước, miệng núi lửa, ghềnh đá basalt…

Quảng Ngãi: Đẩy nhanh tiến độ Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh ảnh 1 Ông Đặng Ngọc Dũng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi phát biểu. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Phát biểu tại Hội nghị, ông Đặng Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, khẳng định: “Xây dựng Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh là triển vọng lớn đối với sự phát triển của tỉnh Quảng Ngãi, tổng hợp các giá trị di sản. Nếu Công viên địa chất Lý Sơn-Sa Huỳnh được công nhận, trước hết sẽ tạo ra sự thay đổi nhận thức, làm cho thế giới từng bước biết đến nền văn hóa Sa Huỳnh”.

Ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: “Chúng tôi vừa xây dựng kế hoạch để đưa các điểm di sản, tuyến du lịch trong tuyến trình tham quan, xin ý kiến triển khai của UBND tỉnh Quảng Ngãi. Đến tháng 11-2019 sẽ nộp hồ sơ chính thức để thẩm định công nhận Công viên địa chất toàn cầu”.

Quảng Ngãi: Đẩy nhanh tiến độ Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh ảnh 2 Quang cảnh hội nghị với sự tham gia các chuyên gia, đối tác, địa phương. Ảnh: NGUYỄN TRANG

TS. Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, giới thiệu một số di sản mới đáng chú ý, đá biến chất phức hệ Ngọc Linh 1,4 tỷ năm; đá Granit Chu Lai 426-530 triệu năm; tuổi vật liệu nguồn 1.324 triệu năm; đá Granit Hải Vân 236-250 triệu năm; gỗ hóa thạch Bình Sơn, cổng Tò Vò thềm mài mòn biển cách đây 4.000 năm…

TS. Trần Tân Văn chia sẻ về tiến độ lập hồ sơ, lộ trình tổng quát đề án Công viên địa chất và những vấn đề tỉnh Quảng Ngãi cần lưu ý. Theo đó, tháng 11-2019 trình hồ sơ lên UNESCO, đón đoàn thẩm định của UNESCO tháng 7-2020 và nếu vượt qua đợt thực hiện sẽ được Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu GGN công nhận vào tháng 9-2020, thực hiện kiến nghị lên UNESCO vào tháng 10-2020, UNESCO chính thức công nhận khoảng tháng 4-2021.

Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh Quảng Ngãi phải chuẩn bị hồ sơ, gửi thư bày tỏ nguyện vọng thông qua Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, sau đó, thực hiện hồ sơ bằng bảng tiếng Anh.

Quảng Ngãi: Đẩy nhanh tiến độ Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh ảnh 3 Vẻ đẹp gành đá bãi biển làng Gò Cỏ, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi

Về những tiêu chí, điều kiện để trở thành Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, TS. Guy Martini, Tổng thư ký Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, lưu ý đến việc xác định ranh giới công viên địa chất dựa trên ranh giới hành chính, khoanh vùng khu vực cần bảo vệ; cần tuyên truyền và giáo dục về di sản để người dân trong khu vực đó tự hào về những di sản mà họ đang có. Công viên địa chất còn phục vụ cho việc nghiên cứu, quảng bá để du khách biết đến, cũng như thực hiện các ấn phẩm, website bằng cả tiếng Việt, tiếng Anh và càng nhiều ngôn ngữ càng tốt. Bên cạnh đó, TS. Guy Martini cũng đề cập việc xây dựng điểm, trung tâm thông tin về Công viên địa chất, xây dựng những sản phẩm địa phương, phát triển kinh tế cho cư dân địa phương.

Các giá trị địa chất, di sản, giá trị văn hóa, lịch sử mang đậm nét dấu ấn của môi trường tự nhiên, dấu ấn cộng đồng và mang tính đặc trưng của vùng miền. Hơn thế nữa, các giá trị văn hóa mang đậm “tính dân gian” khả năng khai thác kho tàng tri thức bản địa về môi trường tự nhiên, lao động sản xuất, ứng xử xã hội và quản lý cộng đồng, sử dụng nó như một công cụ hữu hiệu để phát triển du lịch địa chất và phát triển kinh tế - xã hội là bước đi tất yếu của tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và các khu vực khác đã và đang xác lập Công viên địa chất ở Việt Nam nói chung.

Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu còn tham gia các lớp tập huấn kiến thức. UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng tiến hành trao Giấy chứng nhận cho các đối tác của Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh.

Tin cùng chuyên mục