Quảng Nam luôn hiện diện ở vị trí trang trọng trong những trang sử vàng của dân tộc

Ngày 28-12, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Quảng Nam – 550 năm hình thành và phát triển”.

 

Hội thảo với sự tham gia của hơn 70 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý trên các lĩnh vực kinh tế, lịch sử, văn hóa, dân tộc học, khảo cổ học, ngôn ngữ học... ở các viện, trung tâm nghiên cứu, trường đại học, cơ quan Trung ương và địa phương trên cả nước.

Có 9 tham luận được trình bày tại hội thảo, những bài tham luận tập trung vào những nội dung chính như lịch sử - khảo cổ, dân tộc - tôn giáo, văn hóa - ngôn ngữ, kinh tế - xã hội.

Quảng Nam luôn hiện diện ở vị trí trang trọng trong những trang sử vàng của dân tộc ảnh 1 Quang cảnh buổi Hội thảo "Quảng Nam - 550 năm hình thành và phát triển"
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nêu lại hành trình ra đời danh xưng Quảng Nam. Cách đây tròn 550 năm - năm 1471, vua Lê Thánh Tông thành lập đạo Thừa tuyên Quảng Nam - đơn vị hành chính thứ 13 của nước Đại Việt, danh xưng Quảng Nam ra đời từ đây. Với sứ mệnh lịch sử thiêng liêng của mình, Quảng Nam luôn giữ vai trò trọng yếu cả về chính trị, quân sự và kinh tế trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Ông Lê Trí Thanh tin tưởng và kỳ vọng qua hội thảo này, các tư liệu, luận cứ khoa học sẽ được thảo luận, phân tích để làm sáng tỏ thêm về vai trò, giá trị của vùng đất và con người Quảng Nam trong tiến trình lịch sử 550 năm hình thành và phát triển. Đồng thời, khuyến nghị những định hướng và giải pháp góp phần đưa Quảng Nam phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh hội nhập toàn cầu của thời đại cách mạng công nghệ lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay.

Quảng Nam luôn hiện diện ở vị trí trang trọng trong những trang sử vàng của dân tộc ảnh 2 Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh phát biểu khai mạc hội thảo
Báo cáo đề dẫn hội thảo, PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, kể từ khi có tên gọi Quảng Nam cho đến nay, trong suốt 550 năm, con người và vùng đất Quảng Nam luôn hiện diện ở vị trí trang trọng trong những trang sử vàng của dân tộc Việt Nam. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng đầy cam go của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những thời điểm khó khăn thử thách nhất, Người luôn có sự đồng hành ủng hộ của những con người Quảng Nam có học thức uyên thâm và tinh thần cách mạng kiên định, vững vàng như cụ Phan Châu Trinh, cụ Huỳnh Thúc Kháng...

Cuộc hội thảo lần này nhằm nhận diện các giá trị, di sản, nguồn lực, bản sắc của vùng đất này. Đây là một việc làm hết sức quan trọng, để từ đó đánh giá những thế mạnh, cơ hội, vị trí và vai trò của Quảng Nam. Hội thảo cũng chỉ ra những rào cản, điểm nghẽn cần phải khơi thông để giúp Quảng Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, phát huy những giá trị vốn có của vùng đất Quảng Nam nhiều hơn nữa.

Còn theo GS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ, có thể thấy quá trình xác lập vùng đất Quảng Nam trở thành một bộ phận lãnh thổ Đại Việt được các triều đại quân chủ Việt Nam tiến hành trải qua một quá trình lâu dài, và có thời kỳ “tiến – lui” trải qua gần 1 thế kỷ. Vùng đất Quảng Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình Nam tiến của các triều đại quân chủ Việt Nam, bởi vị trí địa lý mang yếu tố chính trị, quân sự đặc biệt quan trọng.

“Trong quá trình ấy, nhân dân Quảng Nam đã cùng cả nước tham gia vào các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập dân tộc, phát triển kinh tế, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc”, GS.TS Nguyễn Đức Nhuệ cho hay.

Trong chương trình khai mạc, UBND tỉnh Quảng Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã ký kết hợp tác nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn giai đoạn 2021-2025.

Tin cùng chuyên mục