Quảng cáo sai, người bệnh lãnh đủ

Việc tự ý sử dụng thực phẩm chức năng (TPCN) vì quá tin vào những lời quảng cáo tràn lan trên mạng là câu chuyện phổ biến. Thậm chí đã không ít trường hợp tiền mất, tật mạng, trong khi vẫn có những nhà thuốc, doanh nghiệp, phòng khám, lương y thiếu lương tâm, thổi phòng TPCN như thần dược. 

Còn nhớ, “cơn địa chấn” thuốc trị ung thư Vinaca được sản xuất từ bột than tre đã gây rúng động dư luận trong nước thời gian qua. Tuy nhiên, dư luận càng bàng hoàng hơn khi biết được con đường cấp phép sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ của sản phẩm này lại không quá khó.

Để bột than tre có thể được tung hô như một loại “thần dược”, tiêu thụ khắp cả nước, Vinaca đã có được giấy tiếp nhận công bộ sản phẩm do Sở Y tế Hải Phòng cấp và chứng nhận Tốp 10 thương hiệu hàng đầu Việt Nam và gương mặt doanh nhân tiêu biểu Việt Nam được cấp bởi Viện Khoa học chống hàng giả, thuộc Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu (VATAP).

Có thể nói, vụ việc Vinaca là một ví dụ điển hình về “lỗ hổng” trong quản lý đối với quá trình cấp phép, sản xuất, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm TPCN vừa qua. 

Quảng cáo sai, người bệnh lãnh đủ ảnh 1 Cơ sở sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng giả của Vinaca tại Kiến An, Hải Phòng bị phát hiện, gây rúng động dư luận trong năm 2018
Theo Nghị định 181/2013/NĐ-CP quy định các chỉ định không được đưa vào nội dung quảng cáo gồm: chỉ định điều trị bệnh lao, bệnh phong, bệnh lây qua đường tình dục, hay như chỉ định điều trị bệnh ung thư, bệnh khối u, mất ngủ kinh niên... Thế nhưng, các lương y tự phong và các doanh nghiệp thiếu lương tâm đã vi phạm bất chấp quy định quảng cáo các sản phẩm, bài thuốc chữa khỏi hoàn toàn bách bệnh.

Thậm chí, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cũng thẳng thắn thừa nhận, tình trạng kinh doanh TPCN hay các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe online, quảng cáo qua mạng xã hội, Internet, tư vấn trực tiếp cho người tiêu dùng qua điện thoại, tin nhắn… đang ngày càng phức tạp.

Nhiều doanh nghiệp nắm trúng tâm lý khách hàng vốn muốn có được hiệu quả nhanh nhất trong thời gian ngắn nhất nên ra sức PR cho sản phẩm của mình lên mức như “thần dược”.  Nguy hiểm hơn, tình trạng mạo danh bác sĩ, dược sĩ để tư vấn bán hàng qua điện thoại với những thông tin không đúng sự thật về các mặt hàng TPCN khá phổ biến. 

Nhiều người đặt câu hỏi, trách nhiệm của cơ quan chức năng ở đâu, hàng ngàn cơ sở, trang mạng quảng cáo phân phối TPCN đã được kiểm tra hay chưa? Nhìn vào bảng thống kê năm 2018 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TPCN của Cục An toàn thực phẩm mới thật ngỡ ngàng, trong năm qua chỉ vỏn vẹn xử lý được 113 cơ sở với 170 hành vi vi phạm, tổng số tiền phạt là hơn 6 tỷ đồng. Với số cơ sở và số tiền xử phạt ít như vậy, so với lợi nhuận khủng mà thị trường TPCN mang lại, đủ thấy chế tài không đủ sức răn đe. 

Trước thực trạng trên, Cục An toàn thực phẩm đã và đang phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước của Bộ TT-TT và cơ quan quản lý nhà nước của Bộ Công thương để cùng phối hợp giải quyết tình trạng quảng cáo vi phạm. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời, song người tiêu dùng là người cuối cùng trong quy trình mua bán thực phẩm. Người tiêu dùng cần có kiến thức, trách nhiệm với việc tiêu dùng thực phẩm nói chung và thực phẩm bảo vệ sức khỏe nói riêng.

Tin cùng chuyên mục