Quảng Bình: Thành lập giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Hàm Ninh

Ngày 11-3, UBND huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết đã đồng ý cho chi hội Văn học nghệ thuật huyện Quảng Trạch - thị xã Ba Đồn (Quảng Trạch - Ba Đồn) thành lập giải thưởng Nguyễn Hàm Ninh.
Mộ của danh sĩ Nguyễn Hàm Ninh ở thôn Vân Tiền, xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình
Mộ của danh sĩ Nguyễn Hàm Ninh ở thôn Vân Tiền, xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình

Giải thưởng được trao thường niên hàng năm với tổng quỹ tiền thưởng hơn 100 triệu đồng. Giải được trao cho duy nhất một tác phẩm hoặc một tác giả; năm chẵn trao cho tác phẩm, năm lẻ trao cho tác giả. Giải thưởng bắt đầu từ năm 2022. Giải tác phẩm trao cho các tác phẩm được công bố hai năm trước. Giải tác giả trao cho các tác giả có nhiều đóng góp cho Văn học nghệ thuật trong 10 năm trở lại.

Quảng Bình: Thành lập giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Hàm Ninh ảnh 1 Khu mộ danh nhân văn hóa Nguyễn Hàm Ninh

Nguyễn Hàm Ninh (1808-1868) tự Thuận Chi hiệu Tĩnh Trai, Nhâm Sơn; xuất thân trong gia đình nông dân nghèo có truyền thống hiếu học ở làng Phù Ninh, sau cha ông chuyển cả gia đình đến làng Trung Ái (sau đổi thành làng Trung Thuần), nay thuộc thôn Vân Tiền, xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Năm 21 tuổi (1829), Nguyễn Hàm Ninh đỗ tú tài; 23 tuổi (1831) đỗ thủ khoa kỳ thi Hương ở Trường Thừa Thiên (kỳ thi vào tháng 7 năm 1831), làm quan dưới ba triều vua Minh Mạng - Thiệu Trị - Tự Đức. 

Về văn học, Nguyễn Hàm Ninh là một danh sĩ. Tác phẩm Nguyễn Hàm Ninh để lại, gồm có: tác phẩm bằng chữ Hán là Tĩnh Trai thi tập (hay Nhâm Sơn thi tập), Tĩnh Trai thi sao (Bản sao thơ Tĩnh Trai), Dược sư ngẫu đề (Đề vịnh ngẫu hứng khi đi làm thuốc).

Tác phẩm bằng chữ Nôm có Phản thúc ước (Đây là bài văn tứ lục nhằm chống lại bài văn thúc ước (là các bài văn tế được đọc trong lễ tế thần hằng năm ở làng). Ngoài ra, ông còn có một số bài thơ, bài ca trù viết bằng chữ Nôm.

Nguyễn Hàm Ninh và Cao Bá Quát chính là bạn thơ trong lịch sử. Đại Nam chính biên liệt truyện (do Cao Xuân Dục làm tổng tài) có đoạn viết: "(Nguyễn) Hàm Ninh lấy văn học nổi tiếng. Về thơ văn thời trầm tĩnh, hùng mạnh; khi đè nén, khi phô trương, và sở trường về lối ngũ ngôn. Thương Sơn công (tức Tùng Thiện Vương) vẫn thường khen (thơ ông)".

Tin cùng chuyên mục