Quản trị thể thao hiệu quả

Nước chủ nhà World Cup 2022 vừa tháo dỡ sân vận động đầu tiên trong 8 sân họ xây mới để tổ chức các trận đấu. Đây là sân bóng được ghép từ các thùng container, sau khi tháo dỡ sẽ chuyển giao cho một số quốc gia Nam Mỹ tái sử dụng các phụ kiện. Theo kế hoạch, Qatar chỉ giữ lại 3 sân để chuyên phục vụ bóng đá bao gồm sân quốc gia Khalifa; phần còn lại sẽ tháo bỏ, hoặc đổi công năng.
Công nhân đang tháo dỡ các hạng mục bên ngoài sân vận động 974
Công nhân đang tháo dỡ các hạng mục bên ngoài sân vận động 974

Qatar có dân số thấp, diện tích nhỏ, nếu giữ 8 sân vận động sẽ rất lãng phí, thế nên ngay khi bắt đầu xây, họ đã tính đến phương án “hậu sự kiện”. Đầu tiên là đăng cai một loạt giải đấu ở châu Á, gồm Asian Cup 2023 để tận dụng các sân World Cup. Sau đó, họ thu hẹp quy mô sân bóng còn khoảng 20-30 ngàn chỗ ngồi để phục vụ thể thao. Một số khác sẽ được chuyển đến các quốc gia có nhu cầu, theo kiểu “thanh lý giá rẻ”. Có thể thấy, Qatar không bỏ phí những gì họ đã tốn kém xây dựng. Thậm chí, các sân tập của những đội tuyển còn được bố trí xung quanh một trường đại học, để sau đó có thể xây ký túc xá hay giảng đường. 

Cơ sở vật chất thể thao bao giờ cũng tốn kém chi phí xây dựng và không thể thu hồi vốn. Vì thế, trước khi xây, bao giờ cũng phải tính đến phương án “hậu sự kiện”. Không phải cứ tiết kiệm, quy mô nhỏ thì tốt, bởi điều này sẽ ảnh hưởng đến việc khai thác hiệu quả của sân. Có nhiều cơ sở vật chất rất hiện đại, xây dựng tốn kém, nhưng nhờ áp dụng công nghệ đã tiết kiệm được chi phí bảo quản, sửa chữa. Ví dụ như sân có mái che di động thì sẽ bảo vệ được mặt cỏ, khán đài tháo ráp được sẽ đỡ chi phí bảo trì. Công nghệ càng nhiều thì càng tốn kém, nhưng về lâu dài, lại đỡ chi phí nhân công. 

Trong khi đó, nhìn lại sân Mỹ Đình, phương án xây dựng được xem là thấp ở thời điểm chọn thầu. Nhưng bao năm qua, ban quản lý sân luôn phải đối diện với bài toán về kinh phí vận hành. Thiết kế của sân Mỹ Đình không cho phép nâng cấp về sức chứa, không thể lắp đặt hệ thống máy quay hiện đại và luôn phải duy trì đội ngũ nhân công bảo dưỡng rất đông. Đến nay, việc khai thác kinh doanh sân Mỹ Đình vẫn là bài toán hóc búa và điều này, gây áp lực rất lớn cho các kế hoạch xây dựng những sân vận động mới tại Việt Nam. Đó là lý do mà gần 20 năm qua, chúng ta vẫn chưa có một sân bóng nào có sức chứa lớn hơn 4 vạn của Mỹ Đình, trong khi sân bóng này ngày càng không phù hợp với hình ảnh của một nền bóng đá phát triển, cả quy mô lẫn kiến trúc.

Qatar là một nước giàu và họ bỏ hàng trăm tỷ cho cơ sở vật chất để biến World Cup 2022 đắt đỏ nhất lịch sử. Nhưng cũng có thể thấy, Qatar vẫn có những phương án kinh tế cho số tiền mình bỏ ra, xét về lâu dài, cũng có lợi ích không nhỏ. Việt Nam không thể bỏ quá nhiều tiền cho các cơ sở vật chất thể thao hay bóng đá, nhưng trước hay sau gì cũng phải có những sân bóng mới, khu liên hợp thể thao mới, nếu muốn phát triển trình độ và nâng cao vị thế quốc gia. Từ câu chuyện đầu tư sân bóng của Qatar mới thấy, vấn đề không phải bỏ ra bao nhiêu tiền là phù hợp, mà cách chúng ta xử lý những bài toán “hậu sự kiện” mới là mấu chốt. Việc này lại liên quan đến trình độ và tư duy kinh tế, quản trị rủi ro của các nhà quản lý.

Tin cùng chuyên mục