Quản trị doanh nghiệp nhà nước: tính chuyên nghiệp chưa cao

Sáng 12-6, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo với chủ đề: “Kinh tế nhà nước và cơ cấu lại DNNN: Thực hiện 2011-2020 và kiến nghị quan điểm, phương hướng đến năm 2030 để phục vụ chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2020 – 2030 và kế hoạch 2021-2025”.
Ông Phạm Thế Trung, Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển DN của CIEM trình bày dự thảo Báo cáo nghiên cứu
Ông Phạm Thế Trung, Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển DN của CIEM trình bày dự thảo Báo cáo nghiên cứu

Khai mạc hội thảo, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho biết, qua tiếp xúc với doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần, ông nhận thấy cả khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lẫn khối tư nhân “ai cũng mong được như khối bên kia, nghĩa là cả hai cùng không phát triển được như mong muốn”. Nhìn riêng khối DNNN, ông Cung nhận định, DNNN không có đủ quyền tự chủ để vận hành theo cơ chế thị trường. Mặc dù Luật Doanh nghiệp đã quy định DNNN có đầy đủ các quyền như Công ty TNHH một thành viên tư nhân, nhưng trên thực tế, quyền tự chủ của DNNN bị hạn chế bởi nhiều lý do…

Dự thảo Báo cáo nghiên cứu của CIEM do ông Phạm Thế Trung, Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển DN của CIEM trình bày sau đó cũng nêu rõ, trong quá trình sản xuất kinh doanh, DNNN phải xin ý kiến của nhiều cơ quan nhà nước do cơ chế đặc thù về thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu. Quy định này dẫn tới tình trạng cơ quan nhà nước quyết định rất nhiều vấn đề kinh doanh của doanh nghiệp. DNNN đồng thời phải chịu nhiều ràng buộc từ quy định và cơ chế quản lý (như ràng buộc về bổ nhiệm người quản lý, lao động, tiền lương, quản lý tài chính…).

“Quy định chặt chẽ là cần thiết trong bối cảnh cơ cấu lại, tránh thất thoát tài sản nhà nước, nhưng về lâu dài và dưới góc độ quản trị doanh nghiệp hiện đại, là yếu tố giảm quyền tự chủ của DNNN so với DN khác”, chuyên gia này bình luận. Ông Trung thậm chí còn cho rằng một số quyền của Hội đồng thành viên hiện nay hẹp hơn Hội đồng Quản trị theo Luật DNNN 1995, ví dụ như quyền huy động vốn...

Tuy nhiên, theo TS Lê Xuân Bá, vấn đề chính trong quản trị DNNN hiện nay là kỷ luật điều hành không nghiêm. Chẳng hạn, đã có quy định nếu không nghiêm túc thực hiện cổ phần hoá, thoái vốn theo đúng tiến độ thì lãnh đạo DN phải chịu kỷ luật, kể cả bị cách chức, cho thôi việc, “nhưng vừa qua cổ phần hoá rất chậm, mà đố ai chỉ cho tôi ai đã bị cách chức vì lý do này”?!

“Nói DNNN chỉ tập trung vào một số lĩnh vực then chốt, nhưng quy định rõ ràng thế nào là then chốt thì không có. Chủ tịch HĐQT, HĐTV trước đây toàn Thứ trưởng, Vụ trưởng; bây giờ thì là lãnh đạo một số viện nghiên cứu. Là tiến sĩ thật đấy, như tôi cũng từng làm Viện trưởng, nhưng kinh nghiệm kinh doanh không có, bảo làm lãnh đạo doanh nghiệp là chịu chết. Tính chuyên nghiệp trong quản trị DNNN là rất kém” – nguyên Viện trưởng CIEM Lê Xuân Bá thẳng thắn.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, hội thảo nêu trên là một trong chuỗi hội thảo tập hợp ý kiến đóng góp xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2020 – 2030 và kế hoạch 2021-2025.  

Tin cùng chuyên mục