Quan tâm việc tổ chức cuộc sống sau khi tái định cư

Trong chương trình nghị sự của kỳ họp lần thứ 3 Quốc hội khóa XIV sẽ có quyết nghị liên quan việc hỗ trợ, tái định cư để triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai). 
Dự án sân bay Long Thành là một dự án rất lớn, không chỉ về mặt kinh phí đầu tư mà còn lớn về số lượng cư dân sẽ di dời đến nơi ở khác để nhường đất làm sân bay: khoảng 4.700 hộ dân với gần 15.000 nhân khẩu. Do đó, việc tái định cư cho họ là điều cần phải được bàn tính thật kỹ lưỡng. 

Những người dân tái định cư tại nơi ở mới phải đối diện với rất nhiều khó khăn, bởi có thể mạng lưới xã hội lâu nay của họ bị phá vỡ, các mối liên hệ thân tộc, quan hệ xóm giềng sẽ khó có thể được giữ vững, và đương nhiên các phương thức sinh kế lâu nay của họ cũng sẽ không còn được như cũ nữa. Do đó, việc tái định cư không thể chỉ đơn giản là xây dựng những khu ở mới cho những người dân có liên quan, mà còn phải làm sao tái lập những nguồn vốn xã hội, kinh tế vốn có của họ nữa. Chúng ta không thể chỉ đơn giản nghĩ rằng chỉ cần bồi thường cho họ một số tiền rồi sau đó để tự họ xoay xở, bởi có thể có một số ít người sẽ tự xoay xở được nhưng còn đa số cần phải có những chính sách trợ giúp để họ có thể hội nhập được vào nơi ở mới, cả về mặt kinh tế, xã hội lẫn văn hóa.

Chúng ta luôn nói rằng phải đảm bảo cho người dân tái định cư có đời sống tốt hơn hoặc bằng với nơi ở cũ. Điều này là đúng, nhưng để làm được cần phải có nhiều chính sách rất cụ thể, chi tiết. Chẳng hạn, cần phải có chính sách giúp dân tái định cư “hội nhập kinh tế” tại nơi ở mới, thông qua việc đào tạo nghề, tạo điều kiện làm ăn kinh doanh như giảm thuế thu nhập, thuế nông nghiệp và các loại thuế khác trong 5 năm sau tái định cư. Một chính sách khác cũng cần chú ý là phải giúp dân duy trì được đời sống văn hóa, tinh thần tại nơi ở mới.

Tin cùng chuyên mục